.

"Thiên hạ đệ nhất hùng quan" xuống cấp

.

Dù truyền thông, dư luận đã nhiều lần lên tiếng, song các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp trùng tu, tôn tạo đối với Hải Vân quan - nơi từng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, mặc cho di tích này ngày một xuống cấp...

Những bậc cấp dẫn lên phía cổng có đề chữ “Hải Vân quan” đã bị hư hỏng, gạch đá lồi lõm, còn phía cửa quan, một số mảng tường bong tróc.
Những bậc cấp dẫn lên phía cổng có đề chữ “Hải Vân quan” đã bị hư hỏng, gạch đá lồi lõm, còn phía cửa quan, một số mảng tường bong tróc.

Xuống cấp và gây nguy hiểm cho du khách

Trở lại Hải Vân quan vào một ngày giữa tháng 9, khách tham quan vẫn đông đúc như mọi khi nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, sự xuống cấp của Hải Vân quan ngày càng trầm trọng và có khả năng gây nguy hiểm cho du khách.

Mấy chục năm sống trên đỉnh đèo Hải Vân, ông Thanh Hà thuộc nằm lòng nơi đây và khẳng định “từ lúc ở đây đến bây giờ chưa thấy hoạt động tôn tạo, trùng tu nào diễn ra”. Chỉ tay vào những bậc cấp dẫn lên phía cổng có đề chữ “Hải Vân quan” thuộc địa phận Đà Nẵng đã bị hư hỏng, gạch đá lồi lõm, ông Hà nói: “Nhiều khách du lịch đã té chỏng chơ ở chỗ này rồi. Còn phía kia, hai cửa quan, phần chính của công trình dần bong tróc, sụt gạch. Các công trình khác ở tầng hai và ba của cổng Hải Vân quan bị vẽ bẩn, trở thành kho chứa rác, bốc mùi xú uế; xung quanh là thành lũy, lô cốt hoang phế, lối đi bị che khuất bởi cây cỏ um tùm... Mỗi lần nhìn lên 6 chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan tôi không khỏi xót xa. Hãy quên địa danh này thuộc địa phận của ai mà hãy nhớ nơi đây chất chứa giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của một vùng đất, của một dân tộc”.

Ông T., một thợ chụp ảnh dạo nhiều năm tại đỉnh đèo này cũng tỏ ra lo lắng khi hằng ngày, lượng khách khá đông đến đây tham quan, chụp hình và để có những tấm hình đẹp, họ không ngần ngại trèo lên các lô cốt, tháp canh trơ khung sắt, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. “Ước chừng mỗi ngày hơn 10 cặp chụp hình cưới và khá nhiều bạn trẻ lên trên đó chụp hình. Nguy hiểm vô cùng nhưng nơi đây du lịch tự phát, ai làm gì làm, không cảnh báo, không nhắc nhở”, ông T. thở dài.

Khi nào trùng tu?

Với những giá trị lịch sử và quần thể kiến trúc độc đáo, Hải Vân quan trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng. “Trước khi đến Việt Nam du lịch, tôi tìm kiếm những địa điểm không thể bỏ qua và cái tên Hải Vân quan được chia sẻ khá nhiều trên mạng. Tôi vào tìm hiểu và càng thấy thú vị nên chọn đây là điểm đầu tiên đến trong hành trình khám phá Việt Nam. Khi đứng đây, tôi không ngờ có một nơi khung cảnh đẹp như vậy, từ đây cảnh biển, trời thu gọn vào tầm mắt”, du khách tên Jing (người Hồng Kông) chia sẻ.

Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là Hải Vân quan vẫn chưa được công nhận di tích, nguyên nhân chính vẫn là sự tranh chấp giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, nếu được công nhận là di tích thì đã không có cảnh xuống cấp như ngày nay. “Vừa qua, chúng tôi cùng lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đến đây để xem xét tình trạng Hải Vân quan. Hy vọng sự tác động từ Cục Di sản văn hóa sẽ tìm được tiếng nói chung trong quản lý địa điểm này”, ông Tuấn nói.

Theo ý kiến cá nhân ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), bảo tồn, phát huy giá trị của Hải Vân quan là vô cùng cần thiết. “Tôi cho rằng Sở VH-TT Đà Nẵng và Sở VH-TT Thừa Thiên Huế cần ngồi lại bàn bạc, trao đổi để báo cáo lãnh đạo hai tỉnh, thành về giải pháp tôn tạo, phát huy giá trị của Hải Vân quan.

Không thể ngồi nhìn Hải Vân quan xuống cấp thêm nữa, ngay sau sự kiện ABG 5, chúng tôi sẽ chủ động ra làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT Thừa Thiên Huế đi đến thống nhất làm chung một hồ sơ, trình Cục Di sản văn hóa xin công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia. Có như vậy mới đủ cơ sở tiến hành trùng tu, tôn tạo cảnh quan nơi này”, ông Hùng nêu quan điểm.

Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất -1826). Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”). Cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được tương truyền là do vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm, trong một lần chinh nam đã dừng chân trên đỉnh Hải Vân và cảm khái mà đặt. Ngày nay, địa danh này là vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm bên núi phía Đà Nẵng là phần tam cấp và chiếc cổng Hải Vân quan cao hơn 10m, cùng một số lũy đá. Cách phần cổng thuộc địa phận Đà Nẵng không xa là Bia chiến tích Đồn Nhất đã được thành phố Đà Nẵng dựng vào năm 2001, ghi lại chiến công của quân ta trong chiến dịch Hè thu năm 1952, triệt tiêu Đồn Nhất - một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc... án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở do thực dân Pháp cải tạo từ vị trí chiến lược quân sự được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng, khi Pháp trở lại xâm chiếm nước ta vào cuối năm 1946.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.