Văn hóa - Giải trí
Tiếp tục công nhận 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, cơ quan này đã bổ sung 07 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trò Xuân Phả đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: TTXVN) |
Theo đó, những di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này thuộc ba loại hình (lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian), nằm trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Phú Yên, Hà Nội, Hà Giang và Thanh Hóa.
Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 15).
Cụ thể, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này bao gồm:
1/ Lễ hội Đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).
2/ Lễ hội Đền Thượng (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).
3/ Lễ hội Cầu Ngư (tỉnh Phú Yên).
4/ Tết cá của người Tày (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang).
5/ Lễ cúng rừng (Mo đổng trư) của người Nùng (huyện Hoàng Sung Phì, tỉnh Hà Giang).
6/ Hát múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội).
7/ Trò Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Như vậy, theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, có 174 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ./
Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong diện kiểm kê để lập hồ sơ khoa học, đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm:
1/ Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam.
2/ Ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, hò, vè, truyện trạng…).
3/ Nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu…)
4/ Tập quán xã hội (luật tục, hương ước, nghi lễ…).
5/ Lễ hội truyền thống.
6/ Nghề thủ công truyền thống.
7/ Tri thức dân gian (tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y-dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục…)