.

Vẻ đẹp Việt trong chính người Việt

.

Dự án “Kết nối văn hóa” của một cô gái Đà Nẵng nhỏ nhắn đã được “gọi” thẳng vào Chương trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng sau màn trình diễn đầy thuyết phục, tại cuộc thi khởi nghiệp Startup Fair vừa qua.

Một du khách của dự án “Kết nối văn hóa” làm sản phẩm thủ công cùng người dân địa phương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Một du khách của dự án “Kết nối văn hóa” làm sản phẩm thủ công cùng người dân địa phương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nguyễn Thị Phương Lan là cựu du học sinh ngành Du lịch tại New Zealand. Trở về Đà Nẵng sau khi hoàn tất khóa học thạc sĩ, chị vẫn nuôi trong lòng ước muốn được “bay nhảy” khắp nơi như thời đi học. “Khi chưa có điều kiện để đi, mình sẽ tìm cách giúp nhiều người khác đến với mình. Gặp gỡ, kết bạn, đó cũng là một cách để đi vậy,” chị chia sẻ. Từng có nhiều năm sống ở nước ngoài, chị Lan không còn lạ lẫm với những dịch vụ cho thuê phòng nghỉ ngắn ngày đối với khách du lịch “bụi”. Một cách tình cờ, những vị khách quốc tế đầu tiên đến với ngôi nhà của gia đình chị trên con đường Nguyễn Công Sáu (quận Sơn Trà) tỏ ra hứng thú với những bữa cơm nhà thuần Việt mẹ chị thường nấu. Không có gì ngoài đĩa rau luộc, lát cá kho, bát canh cua... Vậy mà những vị khách cứ khen mãi.

Làm cô chủ nhà, chị Lan luôn chỉ cho khách của mình các quán ăn ngon, những địa điểm thú vị. Điều đặc biệt, chị không bao giờ giới hạn trong các nhà hàng hay các điểm du lịch nổi tiếng. “Mình thích ăn bánh canh vỉa hè ở ngay gần nhà mình thì mình sẽ chỉ luôn cho khách, Âu, Mỹ, Á gì cũng thế. Thế mà hóa ra là khách cũng... mê thật”, chị hào hứng kể. Nhận ra vẻ đẹp của quê hương không chỉ nằm ở danh lam thắng cảnh, vì cảnh đẹp nơi nào cũng có. Vẻ đẹp của Việt Nam nằm chính trong con người Việt Nam. Từ đó, chị tìm cách kết nối khách du lịch quốc tế với người dân bản địa, để giúp họ tìm hiểu về cuộc sống đời thường của người Việt, về những vẻ đẹp bình dị mà ít tour du lịch đề cập tới.

Mô hình kết nối “chiếc kiềng” của chị Lan có 3 chân: Một là khách du lịch nước ngoài, hai là các “kết nối viên văn hóa” chính từ các học sinh, sinh viên Đà Nẵng có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và lòng ham mê văn hóa, du lịch. Chân còn lại chính là những hoạt động tiêu biểu đời thường của người dân Đà Nẵng như: cúng rằm, múa lân Tết Trung thu, nấu bữa cơm gia đình... Chị còn mở rộng ra “chiếc chân” này đến các làng nghề trong khu vực lân cận như làng nghề nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu), làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà (Hội An), làng hoa giấy Thanh Tiên (Huế)... Du khách tham gia vào những hoạt động này với sự phiên dịch của các kết nối viên bản địa. Các kết nối viên cũng hào hứng không kém gì khách.

Anh Brian Beeler là một du khách người Mỹ, nhờ “Kết nối văn hóa” mà “phải lòng” món bún mắm thịt heo đặc trưng của Đà Nẵng. Anh quyết định đầu tư cho dự án này và cho biết: “Tôi nghĩ rằng “Kết nối văn hóa” đang chạm tới cái cốt lõi của việc du lịch. Không phải đi du lịch là để ăn nhà hàng, ngủ khách sạn, vì những thứ đó ở nước nào cũng giống nhau. Du lịch là để gặp gỡ con người”. Khi được hỏi có lúc nào cảm thấy lo bị đau bụng hay gặp vấn đề trên đất khách quê người, anh Brian bảo: “Việt Nam là một đất nước không thể nào đoán trước được. Vì vậy, tôi không thể đi tour du lịch bởi mọi thứ đều đã được sắp xếp trước. Tôi thích vẻ đẹp của sự “không đoán trước được” hơn nhiều”.

Hiện tại, “Kết nối văn hóa” đang tiếp tục xây dựng mô hình kinh doanh của mình. Chị Lan cho biết, mô hình sẽ được phát triển từ từ, chủ yếu thông qua marketing “truyền miệng”. Chị đang huấn luyện cho đội ngũ kết nối viên văn hóa, xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá. Thời gian sắp tới, “Kết nối văn hóa” sẽ là một trong các dự án khởi nghiệp được Vườn ươm doanh nghiệp thành phố ươm tạo. “Đây là một cơ hội để dự án học hỏi, điều chỉnh và tăng tốc phát triển”, chị Lan nói.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.