.

Đưa nghệ thuật vào học đường: Chưa được xem trọng

.

Nhiều đơn vị đã nỗ lực mang nghệ thuật đến các trường học, nhằm giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, cách làm này chỉ mang tính tạm thời, khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Chương trình “Đưa tuồng vào học đường” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khá thu hút học sinh.
Chương trình “Đưa tuồng vào học đường” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khá thu hút học sinh.

Bị động, cầm chừng

Trong hai năm 2015 và 2016, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình “Đưa tuồng vào học đường”. Các trích đoạn được chọn biểu diễn hầu hết có chủ đề lịch sử như: trích đoạn tuồng Lê Lai liều mình cứu chúa và Trần Quốc Toản ra quân...

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thực tế biểu diễn cho thấy, học sinh khá hào hứng với nghệ thuật truyền thống; vì thế, đưa tuồng vào học đường giúp các em vừa làm quen với loại hình nghệ thuật này, vừa là cách nhớ bài học lịch sử. “Tuy nhiên, cách làm hiện nay của nhà hát là phải chủ động phối hợp với các trường để sắp xếp thời gian biểu diễn theo yêu cầu, chứ không thuộc dự án nào, nên không thường xuyên và không phổ biến rộng khắp các trường”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, để giới thiệu nghệ thuật thứ bảy, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thành phố cũng phối hợp với các trường đại học, THPT, THCS trên địa bàn triển khai chương trình điện ảnh học đường vào các buổi ngoại khóa của trường. Mục đích là giúp học sinh, sinh viên có điều kiện hiểu biết thêm các tác phẩm văn học thông qua diễn đạt hình ảnh từ điện ảnh; đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề về chủ quyền biển, đảo, văn hóa-văn minh đô thị, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy...

“Đó là một trong những hoạt động phục vụ chính trị của Trung tâm. Nhưng chúng tôi cũng không chủ động được thời gian, bởi phải chờ các trường sắp xếp thời khóa biểu khi lịch học, sinh hoạt dày đặc. Hơn nữa, nghệ thuật không phải là môn bắt buộc ở trường học nên nhiều trường còn thờ ơ, có cũng được mà không cũng chẳng sao”, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cho biết.

Cần có giải pháp thiết thực

Trao đổi về việc đưa nghệ thuật vào trường học, ông Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) cho rằng, đó là việc làm hết sức cần thiết, hữu ích, hướng tâm hồn học sinh đến những điều tốt đẹp. Nhiều năm qua, nhà trường nỗ lực giúp học sinh tiếp cận văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng bằng nhiều cách khác nhau như: tìm hiểu lễ hội cầu ngư, di tích lịch sử, mời Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về biểu diễn... “Chúng tôi thấy hữu ích cho học sinh thì làm chứ không có quy định nào bắt buộc nhà trường phải đưa nghệ thuật vào học đường”, ông Nguyễn Thế Quyết nói.

Là một trong 4 trường ở Đà Nẵng được chọn triển khai dự án “Sân khấu học đường” vào năm 2004, “phong trào” nghệ thuật tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) từng rất sôi nổi, nhưng cũng như những ngôi trường khác, theo thời gian, nghệ thuật đành phải “lùi sân” trước sự quá tải của chương trình học. “Từ khi dự án bị dừng thì chúng tôi chưa tổ chức lại hoạt động đưa nghệ thuật vào học đường. Thật sự, học sinh bị quá tải về việc học, nhà trường cũng có khá nhiều hoạt động văn nghệ, sinh hoạt ngoại khóa... nên không có thời gian”, ông Nguyễn Hồng, Hiệu trưởng nhà trường phân trần.

Có thể thấy, dù các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố đã nỗ lực mang nghệ thuật đến các trường học, song chỉ là hoạt động mang tính phong trào. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản vẫn là các loại hình nghệ thuật này lâu nay chưa được xem trọng trong môi trường giáo dục. Vì thế, theo nhiều ý kiến, nên chăng đưa các loại hình nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống trở thành một môn học bắt buộc ở trường với giáo trình giảng dạy theo từng bộ môn. Điều này đã được nhiều quốc gia áp dụng để bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.