Văn học Nga có còn thu hút độc giả trẻ, có thể thắng lợi trong “trận chiến” giành lại độc giả trẻ em khỏi những iPad, iPhone và thế giới công nghệ đang phổ biến trong các gia đình hay không?
Một số đầu sách mới ra mắt trong tủ sách Văn học Nga. |
Đó là câu hỏi được đề cập tại tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm - Sức sống của tác phẩm văn học thiếu nhi đến từ xứ sở Bạch Dương”, do NXB Kim Đồng vừa tổ chức nhân dịp ra mắt tủ sách “Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc”.
Hầu hết các ý kiến cùng chung nhận định: Văn học thiếu nhi Nga giàu chất thơ, thấm đẫm tinh thần nhân văn, thậm chí ít nhiều ảnh hưởng đến cách viết của một số nhà văn Việt Nam. Nhà văn Trần Quốc Toàn cho biết, khi còn trẻ, ông đã tìm thấy những giá trị nhân loại trong các tác phẩm của văn học Nga. Dịch giả - nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cho rằng, “văn học thiếu nhi Xô viết là một kho vàng 10”. Theo ông, nước Nga thời Xô viết có nhiều tác phẩm liệt vào danh sách “kho vàng” dành cho thiếu nhi của văn học thế giới. Ông kể, ngày xưa, ông bắt tay vào dịch một số tác phẩm văn học Nga xuất phát từ việc muốn tìm kiếm những tựa sách phù hợp để... giáo dục con. Tùy từng độ tuổi, ông lại chọn những cuốn sách khác nhau để dịch và cho con đọc.
Dịch giả Thúy Toàn nhấn mạnh sứ mệnh của các dịch giả. Ông đặc biệt nhắc đến và tỏ lòng tri ân những dịch giả lớp trước như: Trần Khuyến, Cẩm Tiêu, Nguyễn Thụy Ứng, Phan Hồng Giang, Nguyễn Mạnh Hùng…, đồng thời tỏ ý lo ngại khi các dịch giả mỗi ngày một vắng thiếu mà đội ngũ kế cận quá hiếm. Việc NXB Kim Đồng vừa ra mắt sách “Văn học Nga” là “việc làm hết sức ý nghĩa, khơi dậy sự quan tâm đặc biệt đối với nền văn học mà có những giá trị lớn về nhân vật, như văn học Nga”.
PGS.TS Đào Tuấn Ảnh cũng chia sẻ điều này với dịch giả Thúy Toàn. Tuy nhiên, bà lo lắng rằng, độc giả trẻ bây giờ ngại cầm cuốn sách “toàn chữ” để đọc, họ thích đọc những gì “gay cấn và hài hước”. Vì thế, liệu những cuốn sách văn học Nga dù rất hay, thấm đẫm tính nhân văn ấy có còn lôi cuốn được các em hay không, liệu có thể “thắng lợi” trong “trận chiến” giành giật lại độc giả trẻ em từ những iPad, iPhone và thế giới công nghệ đang trở thành đặc trưng văn hóa của thời đại?
Câu hỏi trên nhận được nhiều quan tâm của những người tham dự tọa đàm. Quả thực, những tác phẩm như Chiếc nhẫn bằng thép của K.Paustovky, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky, Maximka của K.M.Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R.Belyaev... từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ, nhưng đến nay, làm cách nào để khiến độc giả trẻ mê say, đọc từ trang đầu đến trang cuối?
Dịch giả Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con cho rằng, “độc giả nhí” ngày nay vẫn đọc, vẫn yêu thích sách, nhưng chúng ta phải tìm ra cách giới thiệu làm sao để các em tự cảm thấy cần phải đọc, hứng thú khi cầm cuốn sách “toàn chữ” trên tay. Theo dịch giả Thụy Anh, nếu chúng ta biết cách tổ chức các buổi trao đổi, trò chuyện, biết khơi gợi hứng thú, biết tạo sự tò mò... thì độc giả nhỏ tuổi ngày nay sẽ tự nguyện bước vào thế giới của những trang sách giàu tính nhân văn như: Cánh buồm đỏ thắm, Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Vichia Maleev ở nhà và ở trường, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino, Bác sĩ Aibôlít...
Cũng theo dịch giả Thụy Anh, việc đưa các giá trị nhân văn của văn học Nga đến với trẻ em Việt Nam là việc chung của cả NXB, những người làm sách, các thầy cô và cả phụ huynh. Có thể nói, NXB Kim Đồng sẽ không đơn độc trong “trận chiến” đáng yêu mà cũng đầy cam go này.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm những tác phẩm đương đại của văn học Nga để dịch và xuất bản ở Việt Nam cũng được đặt ra. Để có thể thành hiện thực, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, các dịch giả và giới truyền thông… Hơn nữa, khó khăn chính của việc thiếu những tác phẩm hay hiện nay là thiếu những dịch giả đủ tầm khi mà kinh phí chi trả cho các dịch giả hiện quá thấp.
Bài và ảnh: MAI HOÀNG