.

Vắng kịch múa đỉnh cao

.

Đã lâu lắm rồi, sân khấu Đà Nẵng đợi chờ một vở kịch múa đỉnh cao. Điều mong đợi cuối cùng cũng đến khi vở kịch múa “Chuyện tình sông Hàn” do NSND Lê Huân ấp ủ hơn năm trời ra đời. Đáng tiếc đến hiện tại, vở kịch vẫn còn nằm trên giấy, vì sao?

Lâu nay, những tiết mục múa minh họa, lồng ghép trong các chương trình ca nhạc là phổ biến, nhưng kịch múa thì hiếm hoi.
Lâu nay, những tiết mục múa minh họa, lồng ghép trong các chương trình ca nhạc là phổ biến, nhưng kịch múa thì hiếm hoi.

Lãng mạn “Chuyện tình sông Hàn”

“Chuyện tình sông Hàn” kể về anh lính hải quân Mỹ trong một dịp ghé thăm cảng Đà Nẵng, đúng vào ngày hội pháo hoa bên sông Hàn. Dạo chơi trên cầu tình yêu, anh gặp một cô gái xinh đẹp, khiến lòng anh rung động và tình yêu bất ngờ đến với họ. Khi pháo hoa vụt tắt, cô gái biến mất trong sự ngỡ ngàng của anh lính hải quân. Anh vội vã đi tìm, có người bạn lính biển Việt Nam giúp sức, họ tỏa ra kiếm khắp ngả, cuối cùng họ tới Bảo tàng Điêu khắc Chăm và trước tượng nữ thần Apsara, anh gặp lại hình ảnh cô gái đêm hội pháo hoa hôm nào và nhận ra đó chỉ là khoảnh khắc huyền ảo vì cô gái đó chính là hóa thân của Apsara. Đến ngày rời xa Đà Nẵng, trái tim anh lính hải quân Mỹ vẫn rộn rã nhịp yêu thương và anh về mang theo cả tình yêu với thành phố bên sông Hàn.

Đây được xem là vở kịch múa ngắn, độ dài khoảng 30 phút, nhưng NSND Lê Huân ấp ủ ý tưởng ròng rã một năm trời. “Cái khó ở chỗ kịch múa là loại hình tập hợp nhiều đỉnh cao về những kỹ năng sáng tạo của nghệ thuật múa và nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu... Vì thế, sáng tác, dàn dựng không hề đơn giản, chuyển tải bản sắc, đặc trưng của văn hóa Đà Nẵng vào từng điệu múa, hiệu ứng ánh sáng sân khấu càng không dễ”, NSND Lê Huân tâm sự. Dẫu thế, tình yêu với nghệ thuật múa luôn thôi thúc người nghệ sĩ ngoài 70 tuổi sáng tạo và theo ông, đó là cách tri ân thành phố gắn cuộc đời hơn 40 năm qua.

Vẫn còn trên giấy

NSND Lê Huân cho biết, sẽ khó nếu để “Chuyện tình sông Hàn” xuất hiện đơn lẻ bởi lý do kinh phí và kén khán giả, nên ông lồng ghép vào chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ sông Hàn”. Chương trình gồm 7 tiết mục với các thể loại ca múa nhạc và kịch múa nói lên tình yêu non sông đất nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt điểm nhấn về bản sắc Đà Nẵng, tình yêu hòa bình trong giao lưu hội nhập văn hóa như: Đà Nẵng đất đồng long- Cánh buồm tuổi thơ, Văn Lang khởi thủy, Huyền diệu sông Hàn, Chuyện tình sông Hàn...

“Rạng rỡ sông Hàn” là chương trình nghệ thuật được Hội Nghệ sĩ múa thành phố dàn dựng trên tinh thần hưởng ứng hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn do UBND thành phố ban hành. Theo NSND Lê Huân, ngày 9-6-2016, Sở Văn hóa-Thể thao đã có công văn đề nghị Hội Nghệ sĩ múa thành phố khẩn trương xây dựng kịch bản và lập dự toán kinh phí chi tiết về việc tổ chức chương trình nghệ thuật này, báo cáo Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Thực hiện đề nghị này, ngày 27-6, Hội Nghệ sĩ múa đã gửi Sở Tài chính dự toán tổng kinh phí cho chương trình “Rạng rỡ sông Hàn” là 543 triệu đồng; trong đó, vận động tài trợ được 193 triệu đồng và đề xuất cấp 350 triệu đồng. Đây là chương trình dự kiến phục vụ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5-2016)

“Khi chúng tôi trình lên Sở Tài chính thì ngày 30-6, Sở Tài chính có công văn trả lời Sở Văn hóa-Thể thao là cơ quan đầu mối được UBND thành phố giao nhiệm vụ tổng hợp dự toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức ABG 5 nên đề nghị Hội Nghệ sĩ múa làm việc cụ thể với Sở Văn hóa - Thể thao. Sau đó, vì nhiều lý do khách quan, chương trình không thể tiến hành như kế hoạch và bây giờ vẫn còn trên giấy”, NSND Lê Huân bày tỏ.

Có thể nói mấy chục năm qua, nghệ thuật múa đỉnh cao Đà Nẵng, đặc biệt kịch múa khá hiếm hoi. Năm 2000, Liên hoan Nghệ thuật kịch múa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa thành phố tham dự vở kịch múa Huyền tích Ngũ Hành Sơn được thành phố đầu tư 100 triệu đồng. Đến năm 2006, được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đầu tư đặt hàng, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng đã xây dựng vở kịch múa về đề tài cách mạng có tiêu đề “Một thời và mãi mãi” với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Như vậy, “Chuyện tình sông Hàn” là vở kịch múa thứ ba mà Hội Nghệ sĩ múa thành phố ấp ủ dự định thực hiện trong vòng 20 năm qua.

“Hai vở kịch múa trước đó khi trình diễn đã làm cho giới nghệ sĩ múa trong cả nước ngạc nhiên bởi chưa có tỉnh, thành nào có đủ “dũng cảm” xây dựng loại hình nghệ thuật múa đỉnh cao này. Vì thế, để sức sáng tạo của nghệ sĩ thành phố vươn xa, tôi cho rằng cần có một tư duy và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của kịch múa, trong đó có việc đầu tư tài chính và đặc biệt là đầu tư cho lực lượng nghệ sĩ để không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm”, NSND Lê Huân đề nghị.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.