Văn hóa - Giải trí

Những "cánh tay nối dài"

08:32, 29/11/2016 (GMT+7)

Làm tốt công tác truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giúp nhận thức, hành vi của người dân về vấn đề này dần thay đổi, chất lượng dân số theo đó từng bước nâng lên. Góp phần vào sự thành công của công tác dân số trong năm 2016 phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) cơ sở.

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức hội thi tuyên truyền viên dân số.
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức hội thi tuyên truyền viên dân số.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ được tiến hành thường xuyên, rộng khắp. Qua đó, những chủ trương, chính sách, mục tiêu dân số của Đảng, Nhà nước và Pháp lệnh Dân số đến được với đông đảo nhân dân. Công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng; trong đó, ngành Dân số chú trọng phương thức tư vấn, đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng vị thành niên và các gia đình sinh con gái một bề.

Lợi thế của các CTV dân số cơ sở là những người sống ở ngay địa bàn mình trực tiếp tuyên truyền, nên có thể biết rõ nhu cầu của người cần được tuyên truyền và có thời gian gần gũi với đối tượng mọi lúc, mọi nơi. Xác định được tầm quan trọng của lực lượng CTV trong công tác dân số, từ đầu năm 2013, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương thành lập đội CTV với 1.843 người  vừa thực hiện nhiệm vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), thực hiện KHHGĐ, vừa tham gia phòng, chống suy dinh dưỡng và dịch bệnh.

Có thể nói, truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng có những lợi thế riêng, tuy nhiên tính tương tác với đối tượng cần tiếp nhận thông tin lại không cao bằng truyền thông trực tiếp. Ở vùng ven, vùng nông thôn, nơi đa phần người dân làm nghề lao động phổ thông, trình độ văn hóa chưa cao, truyền thông bằng phương pháp “truyền thống” thông qua đội ngũ CTV DS-KHHGĐ luôn phát huy hiệu quả.

Thầm lặng, bền bỉ, luôn lắng nghe, luôn chia sẻ, các CTV DS-KHHGĐ góp phần biến chuyển những điều tưởng chừng riêng tư nhất của mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng thành trách nhiệm xã hội mà họ phải nhìn nhận nghiêm túc. Cái khó của người làm công tác truyền thông dân số tại cộng đồng là làm thế nào để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nếp sinh hoạt của từng người dân cũng như cách chọn chủ đề tuyên truyền và thời gian thích hợp để tiếp cận đối tượng. Trong những cái khó ấy, có thể nói khó khăn nhất là tuyên truyền, vận động triệt sản nam. Nhiều nơi người dân còn cho rằng triệt sản sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên nhất định không tham gia. Thêm nữa, nhiều người cũng chỉ biết “loáng thoáng” kiến thức về chăm sóc SKSS nên thực sự rất cần có những “cánh tay nối dài” ở cơ sở để mang hiểu biết đúng đắn đến với họ.

Thời gian qua, công tác truyền thông đạt được hiệu quả nhất định nhưng chỉ mới tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, hoạt động sôi nổi ở vùng đông dân cư và kinh tế phát triển. Trong khi đó, các chiến dịch truyền thông dân số chưa “vươn” đến vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp, chưa có nhiều nội dung tư vấn phong phú, đa dạng dành cho đối tượng nam giới. Bên cạnh đó, người cung cấp dịch vụ SKSS không được đặt đúng vị trí trong công tác truyền thông, nên họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tài liệu tư vấn. Ngoài ra, CTV dân số được tuyển chọn trên cơ sở “lòng nhiệt tình” là chính, trong khi chuyên môn về y tế lại hạn chế...

Nhiệm vụ chính của công tác dân số giai đoạn hiện nay là tuyên truyền, cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS cho người dân một cách toàn diện. Do vậy, những hạn chế của đội ngũ CTV DS-KHHGĐ rất cần được khắc phục sớm.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

.