Văn hóa - Giải trí
Tạc tình yêu vào đá
Nhiều năm qua, cái tên Nguyễn Long Bửu, nghệ nhân làng đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn khá nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc đá nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Mới đây, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân - danh hiệu đầu tiên của ngành Điêu khắc đá Việt Nam.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu miệt mài sáng tạo tại xưởng điêu khắc đá của mình trên đường Huyền Trân Công Chúa. |
Nặng lòng với đá
Chỉ cần người đối diện nhắc về đá, nghệ nhân Long Bửu lập tức như tìm thấy “mạch” chia sẻ, bởi chặng đường 40 năm làm nghề của ông gắn liền với đá. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề đá, từ nhỏ ông đã quen với hình ảnh ông và cha của mình mải miết gọt đẽo bên những tảng đá lớn. Lớn lên một chút, ông được truyền dạy những nét sơ khởi và để am hiểu nghệ thuật điêu khắc một cách bài bản, ông quyết thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về làng đá và gắn đời mình với nghề của cha ông.
Trải qua mấy chục năm mày mò, sáng tạo, nhiều tác phẩm của ông nổi tiếng khắp cả nước và còn được mang đi trưng bày ở Úc, New Zealand, Mỹ. Để có được thành công này, theo nghệ nhân Long Bửu, ông luôn đặt tâm thế phải “sống” với tác phẩm, ăn ngủ với đứa con tinh thần của mình. “Tôi luôn tự hỏi, đá nặng và lạnh thế kia, làm sao để thổi hồn vào trong đá, tạo sức sống mới cho tác phẩm? Thế là trước khi thực hiện một đề tài nào đó, tôi nhắm mắt lại và vẽ tác phẩm trong tưởng tượng. Đối với tượng danh nhân, tôi đọc kỹ tư liệu về cuộc đời nhân vật, đêm nằm trằn trọc tìm hướng thể hiện sao cho đúng thần thái đó”, nghệ nhân Long Bửu kể.
Đến bây giờ, trong giới điêu khắc đá, cái tên Long Bửu không ai không biết. Song không tự bằng lòng với những gì đạt được, dù khá bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Nguyễn Long Bửu vẫn dành thời gian sáng tác. Mỗi ngày của ông, nếu không đi gặp khách hàng thì chỉ “lui cui” trong xưởng chế tác, khi đục đẽo, khi hướng dẫn, chỉnh sửa cho thợ. Hơn 40 năm trong nghề, nghệ nhân Long Bửu đã truyền dạy cho hơn 200 người.
Anh Ngô Tấn Thọ, thợ trưởng cơ sở điêu khắc đá Nguyễn Long Bửu cho biết, anh đến học nghề khi còn là chàng thanh niên, nay đã bước sang tuổi 40. Để trở thành thợ chính như ngày hôm nay, anh được nghệ nhân Long Bửu hướng dẫn, chỉ dạy hơn 20 năm. “Bây giờ vẫn theo thầy học hỏi, nâng cao tay nghề. Tôi vẫn mang theo câu nói của thầy trong suốt mấy mươi năm: Hãy thổi vào đá trái tim yêu nghề, để đá truyền tải thông điệp đến với mọi người”, anh Thọ chia sẻ.
Ấp ủ đặt tượng danh nhân tại 90 tuyến đường
Tiếp chúng tôi tại phòng khách, nghệ nhân Long Bửu nói nơi đây sắp bị dỡ bỏ để dành không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc đá. Dường như với ông, không bao giờ là đủ cho tác phẩm điêu khắc đá. Rồi ông cho xem Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước tặng, huy chương tại các cuộc thi điêu khắc trong và ngoài nước và mới nhất là danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân - danh hiệu đầu tiên dành cho ngành Điêu khắc đá Việt Nam.
Để được vinh danh như vậy, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu phải miệt mài lao động, cống hiến suốt gần nửa thế kỷ. Cứ nhìn vào khối lượng đồ sộ tác phẩm mà ông tạo ra được trưng bày nhiều nơi trong và ngoài nước đủ thấy sức lao động, sáng tạo của ông như thế nào. Trong số đó có thể kể đến tượng Quan Âm đặt tại Thái Lan, Tháp đá tại Pháp, tượng Phật Thích Ca đặt tại Ấn Độ...
Trong nước, phần lớn các địa phương từ Bắc chí Nam đều có tác phẩm của Nguyễn Long Bửu, chẳng hạn tượng Quan Âm tạo sơn (Lạng Sơn và Khánh Hòa), tượng đài du kích Ba Tơ và Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (Hải Phòng)..., đặc biệt là quần thể 28 tượng đá được Chính phủ trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Nguyễn Long Bửu tâm sự, hiện ông đang “thai nghén” nhiều mẫu tượng danh nhân dành cho quê hương. Trong đề án gửi lãnh đạo thành phố, ông đề xuất 90 bức tượng danh nhân đặt tại 90 tuyến đường chính của thành phố. “Nếu được phê duyệt, đây là dự án độc đáo mà chưa địa phương nào trên cả nước làm được. Bởi lẽ, những bức tượng danh nhân không chỉ tạo thêm không gian đẹp cho thành phố, nhất là khi sự kiện APEC 2017 sắp đến, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, giáo dục sâu sắc”, nghệ nhân Long Bửu nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ