Cùng với những tỉnh, thành khác trên dải đất miền Trung, bài chòi Đà Nẵng trở thành trò diễn xướng dân gian, một hình thức giải trí lành mạnh không thể thiếu của người dân trong dịp hội hè. Tuy nhiên, để xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bài chòi cần được quan tâm đầu tư phát huy giá trị vốn có.
Nghệ thuật hô/hát bài chòi diễn ra tại khu công viên phía đông cầu Rồng, thu hút đông đảo người dân và du khách.Ảnh: NGỌC HÀ |
Sức sống mãnh liệt
Những ai từng tham gia các lễ hội đình làng tại Đà Nẵng đều không thể bỏ qua trò diễn xướng dân gian bài chòi. Trong không gian diễn xướng ấy, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cụ già, em nhỏ, thanh niên quây quần vui vẻ bên nhau theo từng lời hô/hát bình dân mộc mạc của anh hiệu (người hô). Để tạo thêm hứng khởi cho người chơi, ngoài việc hát theo lời do cha ông truyền lại, anh hiệu linh động đưa lời mới, nhạc hiện đại mang hơi thở cuộc sống thực tại, gần gũi với người xem. Cụ Trần Khôi (85 tuổi), Trưởng Ban Quản lý Đình làng Túy Loan cho rằng, ở đâu chẳng biết chứ bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong lễ hội đình làng Túy Loan. Ngày Tết ghé qua Túy Loan, nghe bài chòi càng rộn ràng, sôi nổi.
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi Sông Yên chia sẻ: “Mấy mươi năm trong nghề, điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tình yêu đối với bài chòi luôn “bám rễ” sâu trong lòng người dân, đặc biệt người dân vùng quê. Những nơi chúng tôi đến đều được chào đón nồng nhiệt”.
Có thể nói, bài chòi sống được đến ngày hôm nay, một phần nhờ tình yêu nghề của những nghệ nhân dân gian. Họ hầu hết là những người lao động bình thường với công việc buôn bán, dịch vụ, nông dân, lao động phổ thông… Nhưng khi có nơi mời diễn hay vào các dịp lễ hội, nhất là Tết, họ sẵn sàng gác công việc riêng tư để tập trung đội đi diễn, dù thù lao nhận được ít ỏi, thậm chí phải “bù thêm”. Chính họ là những người phổ biến, lưu truyền giá trị bài chòi.
Tại Đà Nẵng, hiện có 30 nghệ nhân làm hiệu trong các hội chơi bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ bài chòi, 73 nghệ nhân biết đàn, hát nghệ thuật bài chòi, 49 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Đặc biệt, năm 2016, 5 nghệ nhân bài chòi được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú gồm: Hồ Thanh Châu, Phạm Hồng Thái, Lê Văn Dân, Đỗ Hữu Quế, Võ Thị Ninh. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 9 nhóm, CLB bài chòi (trong đó, 6 nhóm thành lập tự phát, không có sự hỗ trợ của bất kỳ đơn vị nào, 3 CLB được sự trợ giúp của chính quyền địa phương).
Nghệ thuật hô/hát bài chòi là phần không thể thiếu trong lễ hội đình làng Túy Loan. |
Để bài chòi phổ biến trong cộng đồng
Từ năm 2014, các quận, huyện trên địa bàn thành phố có một số hoạt động bảo tồn nghệ thuật bài chòi tại địa phương, nhưng chỉ dừng ở việc mở các lớp tập huấn không thường xuyên. Trong khi đó, các đội, nhóm lại hoạt động theo mô hình tự phát, không cố định, kinh phí chủ yếu dựa vào khoản thu tại các buổi diễn và tự đóng góp của các thành viên nên khả năng phát triển rất khó khăn.
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế tâm sự: “Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, mang tính cộng đồng cao nhưng chưa được quan tâm đầu tư nhiều như một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Bây giờ, bài chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào, hạnh phúc của những người làm nghề. Nghệ nhân dân gian chúng tôi mong mỏi thời gian đến, các CLB, đội bài chòi được tập huấn, hỗ trợ kinh phí, bố trí địa điểm hoạt động cố định để có cơ hội biểu diễn thường xuyên, phục vụ người dân, góp phần giữ gìn danh hiệu đó”.
Trao đổi về kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bài chòi trên địa bàn thành phố, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, thời gian qua, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2020”, trong năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) chỉ đạo Trung tâm Quản lý di sản thành phố thực hiện việc lập hồ sơ về nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở thành phố Đà Nẵng báo UBND thành phố xem xét đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 21-11-2016, Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận di sản phi vật thể nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong năm 2017, Trung tâm tổ chức vinh danh nhân sự kiện này; đồng thời mở lớp tập huấn hô/hát bài chòi cho cán bộ phường, xã để làm lực lượng nòng cốt phổ biến di sản của ông cha và làm tờ quảng cáo giới thiệu bài chòi tại các điểm tham quan du lịch của thành phố...
“Nghệ thuật hô/hát bài chòi vốn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân lao động xứ Quảng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, được hình thành từ bao đời nay, thấm đượm vào tầm hồn và tình cảm của người dân xứ Quảng. Việc được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là yếu tố thuận lợi để thời gian đến nghệ thuật hô/hát bài chòi được phổ biến rộng rãi hơn và việc bảo tồn, phát huy di sản này được nâng lên tầm cao mới”, ông Hồ Tấn Tuấn nói thêm.
Bài chòi tại Đà Nẵng gồm 4 làn điệu chính: xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng. Ngoài ra, còn có những làn điệu khác như: hò khoan, hát ru, vọng kim lang, vè quảng lý thương nhau, hò giã vôi; các điệu lý như: lý hò hê, lý tình tang, lý vọng phu, lý vãi chài. Theo các nhà nghiên cứu, những khác biệt giữa bài chòi dân gian Đà Nẵng so với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung là: việc sử dụng phương ngữ rất thuần thục, tính dân gian vẫn còn khá đậm đặc... Cùng với Đà Nẵng, nghệ thuật bài chòi tại nhiều địa phương khác ở miền Trung cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ VH-TT&DL giao Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Sở VH-TT tỉnh Bình Định phối hợp xây dựng hồ sơ quốc gia về nghệ thuật bài chòi dân gian trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2016. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ