.

Đào tạo thế hệ mới cho tuồng

.

Để diễn viên trẻ thử sức trong những vai kinh điển, thay thế nghệ sĩ tên tuổi ở nhiều vở diễn mới là cách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện thời gian gần đây nhằm đào tạo lớp diễn viên kế cận.

Lớp diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đang tập các vai chính trong vở tuồng dân gian “Gánh củi trạng nguyên” phục vụ dịp Tết 2017.
Lớp diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đang tập các vai chính trong vở tuồng dân gian “Gánh củi trạng nguyên” phục vụ dịp Tết 2017.

Dìu dắt qua từng vai diễn

Đứng dưới sân khấu nhìn diễn viên Thế Ngọc làm khá tròn vai nam chính trong vở tuồng dân gian “Gánh củi trạng nguyên”, NSƯT Phan Văn Quang đầy tự hào. Dù chưa là “cây đa, cây đề”, song Phan Văn Quang hiện là diễn viên chủ lực của nhà hát, đảm nhận các vai chính “nặng ký”.

Tự nhận mình may mắn là đàn anh đi trước, có chút kinh nghiệm, chuyên môn, đặc biệt được các thầy Cao Đình Liên, Trần Đình Sanh, Nguyễn Thị Thu Nhân chỉ dạy từ lời ca, điệu bộ… nên bây giờ có bao nhiêu “vốn liếng”, NSƯT Phan Văn Quang chia sẻ với diễn viên trẻ của nhà hát. “Các em bây giờ cũng là hình ảnh của mình thời gian trước.

Do đó, có khi chính mình cũng lên sàn tập, bẻ tay bẻ chân uốn nắn từng động tác cho các em. Với tình yêu nghề, tố chất và sự say mê học hỏi, đặc biệt trên cơ sở cọ xát các vai diễn khó như Cao Quân Bảo (vở Lưu Kim Đính giả giá Thọ Châu), Địch Thanh (vở Ngũ Hổ), Kim Lân (vở Sơn Hậu), hay vai chính trong tuồng dân gian như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… nhiều diễn viên trẻ khẳng định được mình”, NSƯT Phan Văn Quang nói.

Đỗ Trung Tám, một trong những diễn viên trẻ của nhà hát cũng hồ hởi cho biết, được vào các vai trước đây chỉ diễn viên tên tuổi mới đảm nhận là niềm hạnh phúc lớn. Đó là cơ hội học hỏi và thử thách ở cấp độ khó hơn, bắt buộc mỗi diễn viên trẻ phải tự tích lũy kinh nghiệm từ lớp đàn anh, đàn chị và làm mới vai diễn bằng chính sức trẻ.

Lớp trước dìu dắt lớp sau qua từng vai diễn nên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dần dần có thế hệ diễn viên đảm nhận vai trò kế cận.

Theo nhận định của NSƯT Nguyễn Ninh, Trưởng đoàn biểu diễn nhà hát, đó là tín hiệu vui, lấp dần khoảng trống để lại của “thế hệ vàng”. Cái khó của nghệ thuật tuồng là lớp diễn viên “chín” của nghề lại ngấp nghé tuổi hưu.

Nhiều thế hệ đi trước rất vững nghề bởi được học từ những nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội. Lớp này nghỉ hưu sẽ để lại sự hụt hẫng trong trình diễn các vở mang tính kinh điển của nghệ thuật tuồng như: Sơn Hậu, Ngoại tổ dâng đầu, Trần Bình Trọng…

Chú trọng công tác đào tạo

Trong vòng 5 năm trở lại đây, đào tạo đội ngũ kế cận được lãnh đạo nhà hát đặc biệt quan tâm. Nhà hát đã bổ sung những “lỗ hổng” của diễn viên về vũ đạo, làn điệu, đối với nhạc công thì tập lại những bài cơ bản, xử lý kỹ thuật…

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, từ khi đào tạo và sau tuyển dụng, trong 10 diễn viên chỉ được vài ba người cảm thụ tốt nghệ thuật, có độ nhạy với nghề, sinh ra để làm nghệ thuật.

Để bù đắp sự thiếu hụt này của diễn viên, các đơn vị nghệ thuật phải tổ chức đào tạo thường xuyên, kể cả đào tạo lại. Vì thế, công tác tập huấn, bồi dưỡng rất kéo dài, tốn thời gian, kinh phí nhưng nhà hát vẫn phải làm. Từ việc tập luyện thường xuyên, nhiều diễn viên có sự chuyển biến. Năm 2014, tại cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng năm 2014, 8 diễn viên của nhà hát đi thi thì cả 8 đoạt giải, trong đó có vài diễn viên trước đây chỉ đóng vai phụ…

“Mới đây, thực hiện Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng giai đoạn 2016-2020, theo quyết định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng tuyển chọn 20 em đi học tại Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Chúng tôi trông chờ đây là lực lượng được đào tạo bài bản, đóng góp cho nhà hát sau này ”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.