Văn hóa - Giải trí
Khát vọng tuổi hai mươi
1. Hiên xuân em không ngủ để được thức như một mối tơ duyên đằm sâu với thành phố biển. Ở trong lòng phố mà ngồi nhớ phố. Ở cạnh biển mà nhớ sóng đến chơi vơi. Lặng yên nghe nhịp tim mình gõ lên phiến nhớ khi đôi chim bồ câu trắng như những đôi bàn tay mang bình yên đến-đi từ Công viên Biển Đông lộng gió.
Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Một điệu nhạc tango nhịp bước mùa xuân diệu vợi tự khơi xa, nơi những con thuyền ngư dân đang mang về đất liền mùa lộc biển đầu năm. Trong lấp lánh sắc màu cuộc sống, tôi gặp lại dòng sông Hàn bình lặng trôi trong mùa tĩnh lặng nhất.
Giữa chiều xuân khi nước sông Hàn trôi qua ly cà-phê mang dư vị mặn mòi của biển. Tôi đã gặp một hình hài Đà Nẵng trong buổi chiều giữa Bảo tàng Đà Nẵng – một tâm khúc với lời tâm sự tận đáy lòng của một người con Đà Nẵng - Đà Nẵng ngày mới tuổi hai mươi đã bắt đầu bằng những dự định đầy men say cuộc sống. Bắt đầu bước đi trên đôi chân vững vàng để chạm tới những vì sao.
Lời tâm sự trút bỏ bao lo lắng, suy tư của không ít người đã có khá nhiều thời gian gắn bó với thành phố đầu biển, cuối sông này. Nghe một làn gió mướt mang hơi ấm của những tấm chân tình với nơi mình đang được thở từng ngày. Những ký ức hôm qua của Đà Nẵng được in dấu ít nhiều qua từng hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Lớp lớp thời gian có lúc phủ đầy rong rêu ngày gió mùa chợt đến, nhưng đối với nhiều người dân Đà Nẵng, ký ức luôn mới và luôn là động lực để họ sống và cống hiến. Vượt qua hay bỏ đi những điều còn chưa đẹp lòng, ưng ý để một sớm mai thức dậy, ánh sáng từ nắng gió chan hòa của miền sông-biển cứ thế thổi vào tâm hồn.
Nâng những giấc mơ mới kịp hình hài vào một đêm xuân trên sông Hàn và chút luyến lưu từ bao ngày tao ngộ. Có một dòng sông trong lòng thành phố và những cây cầu gắn kết nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng. Đã khóa đi, quên đi một thời xa vắng với đôi phà Đông-Tây. Mặt trời hôm nay mọc lên giữa những công trình cao ốc và soi bóng một hình hài thành phố đẹp tinh tươm.
2. Mùa xuân tuổi hai mươi, Đà Nẵng chắc đã đôi lần lắng nghe lòng mình dậy sóng. Có ai bước đến hôm nay mà không phải vượt qua những thác ghềnh, trắc trở? Cả sự lớn lên của mỗi cuộc đời cũng bắt đầu từ những giọt sữa đầu tiên rồi con người ta đứng lên và bước tiếp. Có sự hiến tạo để xây nên một đô thị khang trang, cũng giống như trái tim mỗi người, nuôi dòng máu tự hào vì đã được làm một người con đất Việt mến yêu này.
Cuộc sống có đôi khi không đến được nơi mình muốn đến, đúng hơn không phải viên gạch nào xây nên bức tường thành cũng là vĩnh cửu trước thời gian. Bước qua gian nan, thử thách giống như lửa thử vàng. Nếu như không bị pha tạp bởi một chất gì khác, thì lửa càng cháy, vàng càng sáng. Cái lý thuyết đơn giản ấy, mơ hồ như người đời vẫn luôn lấy làm điều để có thể chứng minh về sự khác biệt.
Đà Nẵng bắt đầu làm nên sự khác biệt và dần hình thành một phong cách riêng, từ chính những tâm hồn người Đà Nẵng. Tôi gặp người bạn hiền lớn tuổi - Nhà thư pháp Hồ Công Khanh, cứ Tết đến xuân về, vợ chồng ông lại dong xe ra phố. Tìm đến những hàng hoa đẹp nhất để mua lộc mang về nhà. Khu vườn của ông, cũng vì thế mà bây giờ quanh năm lúc nào cũng Tết.
Ông đã không ngại chia sẻ với tôi về những điều duyên nợ với nghề thư pháp, rồi sưu tập đá về làm mỹ thuật. Để không quên ký ức phố xưa Đà Nẵng, ông đã bắt đầu sưu tầm những chiếc đèn dầu. Đầu tiên là những chiếc đèn dầu của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử, rồi cũng cái duyên, bạn bè ở khắp nơi trong nước và thế giới tìm đến ông để “tặng đèn”.
Trong bộ sưu tập đèn độc đáo đó, có những chiếc đèn đã gắn bó với lịch sử, văn hóa người Việt Nam nói chung và riêng người Đà Nẵng. “Có ánh sáng là có ước mơ. Từ kỷ nguyên này đến kỷ nguyên khác, con người, dẫu có chạm tới hằng hà những vì sao trên vũ trụ, thì vẫn trân quý những chiếc đèn dầu xưa cũ. Đó là ký ức đẹp để soi cho chúng ta đi đến hôm nay”, ông tự tình như thế.
Là một người con Đà Nẵng, nhà thư pháp Hồ Công Khanh muốn Đà Nẵng trong tương lai sẽ đủ đầy hơn, giàu có hơn về văn hóa. Bởi, cái cốt nhất để hình thành nên một nét đặc trưng đánh dấu sâu đậm trong lòng người là những giá trị văn hóa. Bên cạnh sự phát triển vững vàng về kinh tế, thì văn hóa – như một thế chân kiềng giúp giữ sự cân bằng cho bất cứ một địa phương nào mà Đà Nẵng không nằm ngoài quy luật hiển nhiên đó.
Tết về, nhiều bạn văn nghệ sĩ và cả người dân đều dành chút thời gian thơi thả đến xin thư pháp Hồ Công Khanh - Những câu đối mùa xuân của ông, cũng là những vế đối cuộc đời cho – nhận. Không có sự toàn bích nào bỗng dưng có được. Mọi thứ, kể cả giấc mơ cũng phải có đích để tiến gần khi con người ta biến giấc mơ, hoài bão thành hiện thực. Ông bảo, chữ Phú, Quý, Tài, Phúc, Lộc, Thọ, Duyên, Hạnh, Nhẫn… trao đến người yêu thư pháp đầu xuân, cũng phải có cơ duyên!
3. Khát vọng tuổi hai mươi. Đà Nẵng đón giao thừa bằng những thanh âm rất trẻ. Thời khắc biển trời Đà Nẵng hòa vào những màn pháo hoa rực sắc, là lúc mỗi trái tim người dân Đà Nẵng được hòa cùng thành phố.
Nhẹ gót đêm xuân, thanh âm quen thuộc bỗng gần hơn với nụ cười tôi đã gặp của người nữ công nhân môi trường đô thị trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi của một ngày cuối năm tất bật – Để mang cái Tết vẹn toàn đến mọi nhà và khoác áo mới tinh tươm cho thành phố. Nụ cười ấy, hồn nhiên chứa đựng cả bao nhiêu ước mơ bình dị nhất để cho đi – giữa bao bộn bề cuộc sống.
Có một mùa xuân khát vọng gõ cửa mọi nhà khi sớm nay hoa tầm xuân đã tím tràn ngõ phố. Tuổi hai mươi đặt dấu mốc quan trọng trong hành trình hiến tạo, dựng xây và phát triển. Đà Nẵng hôm nay, mang trên vai lời ru của sông, lời thì thầm của biển để từ đó vươn xa, trở thành một cánh tay vững vàng của miền Trung chát chao nắng gió.
Nguyễn Thị Anh Đào