.

Nhận diện di sản tín ngưỡng thờ Mẫu và "bài toán" sau vinh danh

.

Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị to lớn của di sản này, đồng thời góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)
Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

“Cùng với việc được vinh danh là trách nhiệm đặt ra đối với Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này,” giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam bày tỏ.

Sự khác biệt của đạo Mẫu

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.

Cụ thể, theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, tín ngưỡng thờ Mẫu coi tự nhiên là một người Mẹ và tôn thờ. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng này có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn - những ước muốn vĩnh hằng của con người.

“Điều này tạo nên sự khác biệt của đạo Mẫu. Trong khi nhiều tôn giáo khác hướng đến việc cầu mong cuộc sống an nhàn ở hiện tại, sự siêu thoát sau khi chết hoặc sự phù hộ của linh hồn người đã khuất với người còn sống thì đạo Mẫu hướng đến cuộc sống hiện tại với nhu cầu thực tế, đời thường: phúc-lộc-thọ,” vị chuyên gia này phân tích.

Bên cạnh đó, giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.

Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…) và các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng, Dao…

Giáo sư Ngô Đức Thịnh. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)


Hầu đồng là gì?

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho biết, nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

“Tuy nhiên, hầu đồng từng bị cấm đoán khá nặng nề ở Việt Nam suốt một thời gian dài do không được hiểu đúng bản chất. Dư luận nhìn nghi lễ này qua bức màn huyền bí với thái độ đầy nghi hoặc (do những biến tướng xấu, theo hướng mê tín dị đoan nảy sinh trong quá trình thực hành),” ông Ngô Đức Thịnh cho hay.

Theo ông, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái ngây ngất.

Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Yêu cầu về sự thống nhất

Đứng ở góc độ khác, giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, trên thực tế, tín ngưỡng thờ Mẫu chưa thực sự thoát khỏi tình trạng lệch chuẩn. Ông cho rằng, trên 50% số thanh đồng thiếu những hiểu biết chuẩn về hệ thống giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu.

“Thay vào đó, họ chỉ mải miết lên đồng với những sáng tạo lệch lạc như tự ý thay đổi trang phục, cách thức hát chầu văn... Còn với công chúng, hầu đồng (chứ không phải là những kiến thức chuẩn về tín ngưỡng thờ Mẫu) mới là thứ khiến họ tò mò, háo hức nhất,” giáo sư Ngô Đức Thịnh bày tỏ.

Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, việc Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những cơ sở quan trọng để “lập lại trật tự” cho việc thực hành di sản (đặc biệt là với nghi lễ hầu đồng).

“Một nguyên lý quan trọng của việc bảo tồn di sản là phải dựa vào cộng đồng - chủ thể sáng tạo di sản. Các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn,” giáo sư Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.

Nhà nghiên cứu văn hóa này cho rằng, đây cũng là cách để hạn chế những biến tướng xấu nở rộ theo sự phổ biến ngày càng sâu rộng của việc thực hành di sản này sau khi được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất ý kiến, các cơ quan chức năng cần đặt ra những yêu cầu thống nhất về trang phục hầu đồng, các vật phẩm cung tiến cũng như cách thức xây dựng, sửa chữa các đền, phủ… để tránh hiện tượng trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng 7.000 đền, phủ (chưa kể các điện thờ tư nhân)./.

Ngày 1-12, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.