Kế thừa những kết quả đạt được trong năm 2016, hoạt động văn hóa - lễ hội hai bờ sông Hàn năm 2017 hướng đến yếu tố chất lượng, để mỗi sự kiện trở thành dấu ấn văn hóa đặc sắc.
“Vũ hội đường phố” diễn ra ở đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) trở thành điểm nhấn hoạt động văn hóa, giải trí hai bờ sông Hàn. Ảnh: Đinh Lơ |
Không khí lễ hội hai bờ sông Hàn
Trong năm 2016, hàng loạt hoạt động văn hóa - lễ hội được tổ chức định kỳ vào dịp cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) và dịp lễ, Tết hoặc dịp diễn ra các sự kiện lớn của thành phố.
Chị Nguyễn Mai Thanh (Hà Nội) một lần đến Đà Nẵng du lịch vào đúng chương trình “Vũ hội đường phố” diễn ra ở đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), nhận xét đây là hoạt động giải trí cần phải có của một thành phố du lịch. “Tôi cứ ngỡ chỉ xem rồng phun nước, phun lửa, ngờ đâu còn được trải nghiệm không khí lễ hội vui tươi, sôi động như vậy”, chị Thanh vừa nói vừa nhờ người chụp vài tấm hình lưu niệm với đoàn vũ công trên phố.
Nếu “Vũ hội đường phố”, “Âm nhạc đường phố”, “Vũ hội kèn hơi” là những hoạt động mang hơi hướng hiện đại thì “hô hát bài chòi”, “tuồng xuống phố” giới thiệu đặc trưng nghệ thuật truyền thống của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, góp phần quảng bá đến công chúng cái đẹp của hai loại hình nghệ thuật này.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, trong năm 2016, đơn vị biểu diễn thành công 24 buổi ngoài trời vào lúc 19 giờ 30 tối chủ nhật hằng tuần. Trung bình mỗi đêm diễn thu hút 600 - 750 lượt người xem. Bên cạnh việc biểu diễn nghệ thuật, đơn vị phục vụ du khách và người dân các dịch vụ như: vẽ và bán mặt nạ tuồng, cho thuê trang phục vua, hoàng hậu, chụp ảnh…
“Nghệ thuật tuồng truyền thống lâu nay chỉ biểu diễn trong nhà hát, ít tiếp cận được với công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ chưa có nhiều dịp được xem tuồng. Nay tuồng xuống phố tạo được sự chú ý của đông đảo khán giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là khán giả trẻ. Đây được xem là thành công ban đầu đối với công tác tiếp cận, quảng bá nghệ thuật truyền thống”, ông Tuấn chia sẻ.
Chú trọng chất lượng
UBND thành phố vừa ban hành danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2017. Trong đó, tiếp tục thực hiện các sự kiện văn hóa, lễ hội năm 2016 như: biểu diễn âm nhạc đường phố, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hô hát bài chòi lời cổ và lời mới ca ngợi thành phố Đà Nẵng, vũ hội đường phố...
Đồng thời, bổ sung một số sự kiện mới như: biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem rồng phun lửa, phun nước vào tối thứ bảy hằng tuần (kết hợp với việc tổ chức cho rồng phun lửa, phun nước có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trên cầu Rồng); biểu diễn kèn đồng và trống tối chủ nhật hằng tuần; sân chơi cuối tuần (biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đường phố; hip hop của các câu lạc bộ, đội, nhóm; thi nhảy dân vũ); không gian nghệ thuật đường phố (biểu diễn yoyo, beatbox, cầu thủy tinh, ảo thuật); không gian nghệ thuật sắp đặt (sắp đặt nón, dù, tranh trúc chỉ, tranh cát trên lốp). Các sự kiện chủ yếu diễn ra tại vệt không gian hai bờ sông Hàn, kéo dài từ cầu Sông Hàn đến cầu Rồng.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa – Thể thao cho biết, sở được UBND thành phố giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện.
“2016 là năm đầu tiên thực hiện chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn. Có thể nói, chuỗi hoạt động này đã mang lại không gian văn hóa, giải trí cho người dân và du khách dịp cuối tuần, nhưng chất lượng vẫn chưa đạt như mong muốn, thiếu điểm nhấn.
Vì thế, năm 2017, bên cạnh việc đề nghị các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành tăng cường đầu tư để đạt được chất lượng tốt nhất, tham gia biểu diễn thường xuyên hơn, chúng tôi còn kêu gọi xã hội hóa. Thông qua hoạt động nghệ thuật, doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm của mình. Sở cũng kêu gọi sự ủng hộ của người dân sinh sống trên tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo cùng hưởng ứng để hai con đường này trở thành không gian văn hóa đích thực”, ông Chiến nói thêm.
NGỌC HÀ