Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê sinh năm 1935 tại làng Dương Nỗ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, nghiên cứu và giảng dạy về Hán Nôm từ năm 1969 đến nay.
Ông từng là Trưởng bộ môn Hán Nôm của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả nhiều công trình biên khảo, dịch thuật có giá trị. Vừa qua, lễ mừng thọ 80 tuổi của ông đã được tổ chức trang trọng tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà giáo, học giả Nguyễn Khuê (giữa) với học trò tại lễ mừng thọ 80 tuổi của ông. |
Niềm đam mê cổ học và những bậc thầy
Từ năm mới 8 tuổi, Nguyễn Khuê đã được ông nội bắt phải học chữ Hán. Ban đầu ông học chữ Hán vì bắt buộc, về sau thì say mê và cuối cùng nó ăn vào máu thịt một cách tự nhiên. Tình yêu cổ học trong ông hình thành từ ấy, nên sau này ông quyết định đi vào con đường Hán học.
Đối với ông, học và nghiên cứu cổ học trước hết sẽ giúp ích tìm hiểu những tư liệu chữ Hán ở quê hương cố đô Huế với nhiều bài thơ, văn bia, hoành phi, câu đối trong cung điện, lăng tẩm,…
Sau khi học xong phổ thông ở Quốc học Huế, Nguyễn Khuê vào Sài Gòn học ngành Việt Hán ở Đại học Văn khoa. Tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt Hán năm 1966, ông được một trường đại học ở Đài Loan cấp học bổng học Thạc sĩ văn học Trung Quốc, nhưng vì hoàn cảnh gia đình ông không thể đi Đài Loan lâu ngày được.
Ở lại Sài Gòn, ông tiếp tục học cao học văn chương Việt Hán tại Đại học Văn khoa và nhận bằng thạc sĩ năm 1969. Vài năm sau ông học Tiến sĩ chuyên khoa Hán văn khóa đầu tiên (1972 - 1975) của Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Nguyễn Khuê được sự hướng dẫn của những người thầy đáng kính về cổ học thời kỳ đầu ở Đại học Văn khoa Sài Gòn như Bửu Cầm, Nghiêm Toản, Thẩm Quỳnh, Bùi Lương. Đây là những chuyên gia Hán Nôm uy tín hàng đầu mà Nguyễn Khuê luôn kính trọng.
Đặc biệt, Nghiêm Toản, Bửu Cầm cùng với Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Duy Cần đều giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn là bốn người không tốt nghiệp đại học nhưng được phong chức danh giáo sư đại học ở miền Nam trước năm 1975, vì họ có học vấn uyên thâm và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.
Trong đó, Bửu Cầm là thầy của Nguyễn Khuê từ năm l963, rồi là giáo sư bảo trợ tiểu luận cao học và luận án tiến sĩ cho ông. Thời gian GS Bửu Cầm làm Trưởng ban Hán văn từ năm 1970 - 1975, thì Nguyễn Khuê là Phụ tá Trưởng ban.
Trong bài Kỷ niệm về Giáo sư Bửu Cầm, ông có viết: “Thầy được học trò và giới nghiên cứu kính trọng về hai phương diện: sự uyên bác và tác phong mô phạm. Thầy không phải là một trí thức khoa bảng, mà là một học giả. Kiến thức uyên bác của thầy là kết quả của sự tự học.
Năm ngoài 20 tuổi, thầy đã là chủ biên của Tinh hoa văn tập và tập san Gió lên xuất bản tại Huế. Ở tuổi 25, thầy đã biên soạn cuốn Tống Nho - Triết học khảo luận (Trần Trọng Kim đề tựa năm 1945). Đây là một công trình biên khảo rất có giá trị về mặt tư tưởng học thuật, với tư liệu tham khảo phong phú gồm 2 sách quốc văn, 63 sách Hán văn và 13 sách Pháp văn, đòi hỏi soạn giả phải có học vấn uyên thâm về Nho học nói chung và Tống Nho nói riêng; một công việc không phải dễ dàng, nếu không nói là khó, với bất cứ nhà Hán học nào”.
Vượt khó, nhẫn nại nghiên cứu và giảng dạy
Một trong những công trình đáng chú ý nhất của Nguyễn Khuê là tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập vốn là luận án tiến sĩ được hoàn thành năm 1975 và chính thức xuất bản năm 1991. Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tư tưởng, nhà thơ lớn nhất nước ta thế kỷ XVI, có nhiều trước tác ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn học và văn hóa dân tộc, nhưng lại ít có công trình nghiên cứu chuyên biệt về ông từ thập niên 1990 trở về trước.
Nguyễn Khuê đã đào sâu nghiên cứu, phiên dịch 100 bài thơ chữ Hán còn nguyên bản, giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình, đặc biệt là tình cảm, tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật của Bạch Vân am thi tập.
Nguyễn Khuê cũng khảo sát kỹ và trình bày minh bạch về sấm ký Trạng Trình, mà từ thời Lê, Mạc về sau nhiều người dùng để giải thích, suy đoán, bàn luận những hiện tượng xã hội, thiên nhiên ở trong nước và một phần của thế giới.
Ông viết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là người duy nhất soạn sấm ký, nhưng hễ nói đến sấm ký là người ta nghĩ ngay đến Trạng Trình, gặp những câu sấm không biết xuất xứ từ đâu người ta cũng vội gán cho Trạng Trình. Cứ như thế, sấm Trạng Trình được lưu truyền, Trạng Trình được một số người thần thánh hóa như một bậc siêu phàm”.
Ngoài danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuê còn có công lớn phát hiện, phục hồi cho nhà thơ lớn Tương An quận vương. Lịch sử cho biết, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu là ba người con thứ 10, 11, 12 của vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn.
Đây cũng là ba hoàng tử nổi tiếng giỏi văn chương, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, nếu như sau này hai người anh là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hay được nhắc đến, đặc biệt là qua câu đối “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”, thì Tương An quận vương bị lãng quên.
Từ năm 1970, qua công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo công phu Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, tác giả Nguyễn Khuê đã vén bức màn phủ bụi thời gian để soi rọi, trả lại cho nền văn học chân dung cuộc đời và sự nghiệp tương đối hoàn chỉnh của một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc. Năm 2005, công trình có giá trị và đầy đủ này về Tương An đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ tiếp tục ấn hành.
Sự trân quý của Nguyễn Khuê đối với di sản tiền nhân còn thể hiện qua những công trình khảo cứu dịch thuật khác như: Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Tùy Dượng đế diễm sử, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn, Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh, Luận lý học Phật giáo,…
Nhân lễ mừng thọ 80 tuổi của Giáo sư Nguyễn Khuê vừa qua, các tác phẩm của ông đã được tuyển chọn và xuất bản thành Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác. “Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu.
Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An quận vương, Hồ Biểu Chánh,… là những đóng góp quan trọng của ông với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời giang”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận định trong bài Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê.
PHAN HOÀNG