Sẽ có lúc trong cuộc sống, chúng ta phải lựa chọn: Lý trí hay con tim? Tình yêu hay sự nghiệp? Câu trả lời lúc nào cũng sẽ là nỗi buồn, thậm chí người lựa chọn sẽ cảm thấy nuối tiếc. “La La Land” (Những kẻ khờ mộng mơ) là một câu chuyện đẹp và buồn như thế…
Kết cục cuộc đấu giữa hai chàng Ryan đến từ “xứ sở lá phong”
Trước lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2017, sự đối đầu giữa Ryan Gosling (phim “La La Land” - “Những kẻ khờ mộng mơ”) và Ryan Reynolds (phim “Deadpool” - “Quái nhân”) đã là tâm điểm thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng Mỹ, cũng như fan điện ảnh thế giới.
Ryan Gosling đã về đích trong cuộc đua song mã tại giải Quả Cầu Vàng |
Giữa hai nam diễn viên nổi danh Hollywood có những sự trùng hợp đặc biệt, khi cả hai người cùng có tên Ryan, cùng đến từ Canada và cùng xuất hiện trong hai bộ phim được xem là hiện tượng phòng vé, dù ở hai thái cực đối lập.
Ryan Reynolds với vai diễn trong phim siêu anh hùng 18+ “Deadpool”, khi nhận được đề cử tại Quả Cầu Vàng, đã gây sửng sốt bởi trước nay, phim siêu anh hùng vốn bị coi là ngồi ở “chiếu dưới” tại các giải thưởng điện ảnh, do dòng phim này mang nặng tính giải trí thị trường, ít tính nghệ thuật…
Ở hạng mục đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim ca nhạc/hài, cuộc đua giữa 5 đề cử chỉ còn là cuộc đua song mã, giữa một bên là tân binh đại diện của dòng phim thị trường (Reynolds lần đầu được đề cử tại Quả Cầu Vàng) và một bên là cựu binh của phim nghệ thuật (Gosling đã 5 lần được đề cử).
Cuối cùng, nghệ thuật đã chiến thắng thị trường, Gosling chiến thắng Reynolds. Điều này không có gì quá bất ngờ bởi trước nay, phim siêu anh hùng hiếm khi có cơ hội được đề cử tại các giải thưởng uy tín, chưa nói tới việc rinh giải. Việc Reynolds và “Deadpool” được đề cử tại Quả Cầu Vàng đã là một hiện tượng, một niềm vinh hạnh bất ngờ…
Reynolds và “Deadpool” chỉ được đề cử như một nét mới cho giải, thể hiện sự tôn trọng mà giải Quả Cầu Vàng dành cho một dòng phim giờ đã trở thành thống trị nền công nghiệp điện ảnh. |
Dù “Deadpool” đã nhận được đề cử ở hai hạng mục quan trọng của Quả Cầu Vàng, dù phim siêu anh hùng đã được “mời dự tiệc” trước chiếc bánh phần thưởng, nhưng để thực sự được chia phần từ chiếc bánh ấy, vẫn cần thêm thời gian…
Nếu “Deadpool” nhận được hai đề cử (dành cho Phim và Nam chính), thì “La La Land” nhận được tới 7 đề cử và là phim nắm kỷ lục về số lượng đề cử tại giải năm nay (gồm Phim, Nam chính, Nữ chính, Đạo diễn, Biên kịch, Nhạc phim, và Bài hát trong phim).
“Deadpool” tạo thành hiện tượng, nhưng rồi “Deadpool” tay trắng; một phim hài siêu anh hùng 18+ mang tính hiện tượng, bất ngờ ăn khách không thể nào chiến thắng một phim ca nhạc mang đậm chất nghệ thuật.
Emma Stone nhận giải Quả Cầu Vàng dành cho Nữ chính xuất sắc trong phim ca nhạc/hài |
“La La Land” đã đại thắng Quả Cầu Vàng một cách ngoạn mục, rinh về toàn bộ 7 tượng vàng cho Phim, Nam chính, Nữ chính, Đạo diễn, Biên kịch, Nhạc phim và Bài hát trong phim. Không bỏ sót bất cứ một đề cử nào! Một cái kết hoàn hảo, tuyệt đẹp cho một tác phẩm điện ảnh.
“La La Land” - tác phẩm điện ảnh đẹp nhất của Hollywood
Trước lễ trao giải, Ryan Gosling và bạn diễn Emma Stone đã nhận được vô số lời khen ngợi, từ giới phê bình, truyền thông và công chúng. Hai vai diễn đẹp trong bộ phim ca nhạc ăn khách. “La La Land” được cho là phim tươi mới, sáng tạo nhất của Hollywood vài năm trở lại đây.
Sau đại thắng tại Quả Cầu Vàng, “La La Land” đang là cái tên rất được chú ý tại giải Oscar diễn ra vào tháng 2 tới đây. Phim còn là sự bất ngờ ngoài phòng vé khi kinh phí đầu tư chỉ 30 triệu USD nhưng đã thu về gần 86 triệu USD và sẽ còn gặt hái thêm nhiều nữa…
Phim ca nhạc làm ra để khiến người xem tin rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều xúc cảm lãng mạn, khiến chúng ta hiểu rằng cảm xúc nhiều khi còn mạnh mẽ hơn mọi ngôn từ, và muốn diễn đạt, người ta cần phải… hát lên. Có những tình yêu choáng ngợp đến mức bạn chỉ còn biết dùng những chuyển động của cơ thể, đôi tay, đôi chân, ánh mắt, nụ cười… để diễn đạt.
Những cặp đôi yêu nhau trong phim ca nhạc không chỉ diễn đạt tình yêu rất khác so với những bộ phim điện ảnh thông thường, mà những cặp đôi ấy còn biến tình yêu trở thành nghệ thuật với những điệu nhảy, lời ca, biến những giao tiếp đời thường trở thành những điều đẹp đẽ, trong trẻo và tiệm cần gần nhất với sự lãng mạn đích thực của tình yêu.
Một trong những điều đáng kể nhất của “La La Land” chính là năng lượng và thời lượng mà phim dành cho những điệu nhảy, điệu nhạc và lời ca. “La La Land” là một phim ca nhạc mới mẻ của Hollywood, lấy nhiều cảm hứng từ những vở nhạc kịch Broadway, tập trung khai thác thế mạnh của các nhạc phẩm hơn cả chuyện phim.
“La La Land” còn là một bộ phim đẹp và buồn về tình yêu và mơ ước, về cách mà chúng tương tác, ảnh hưởng đến nhau. Los Angeles - thành phố của những ngôi sao - chứa đầy “những kẻ khờ mộng mơ”, nó đòi hỏi những kẻ mộng mơ ấy phải chấp nhận hy sinh những điều quý giá để đạt được ước mơ, đôi khi, đó là hy sinh tình yêu đích thực.
Trong phim, hai nhân vật chính Sebastian và Mia thoạt tiên tìm đến với nhau, bởi họ nhìn thấy ở nhau những nét tương đồng. Mia mệt mỏi với những buổi thử vai thất bại mà ở đó người tuyển lựa diễn viên thậm chí còn không buồn rời mắt khỏi màn hình điện thoại để nhìn cô; Sebastian đam mê jazz và muốn có một hộp đêm đậm chất jazz do mình làm chủ, thay vì mãi long đong, lận đận biểu diễn thuê ở những quán bar.
Hai diễn viên Emma Stone và Ryan Gosling không phải là những ca sĩ, vũ công đích thực, khi xuất hiện trong “La La Land”, không phải diễn xuất của họ hoàn toàn không có tì vết, nhưng họ đã đưa lại ngồn ngộn sức sống sinh động cho nhân vật bằng một sự nhập tâm trong từng cử chỉ, khiến người xem quên đi tất cả những khiếm khuyết.
“La La Land” là câu chuyện kể về niềm đam mê nghệ thuật, nhưng cũng là câu chuyện về cuộc đời mà bất cứ người xem nào cũng có thể tìm thấy điểm chung: Thật dễ bị trật bánh khỏi đường ray của những ước mơ. Đôi khi, chúng ta không thể tự mình đi đúng hướng, mà cần có một ai đó giúp mình có động lực trở lại đường ray.
Chàng nhạc công Sebastian và nàng diễn viên Mia đến với nhau để giúp nhau định hướng lại nhưng một khi con tàu đã lăn bánh, đã đi đúng hướng, không có gì đảm bảo những chuyến tàu sẽ còn cùng song hành. Những đường ray cắt nhau, chuyển hướng, vĩnh viễn rời xa, để đến những nhà ga, bến tàu mới lạ, là đích đến riêng của mỗi con tàu…
Sẽ có lúc trong cuộc sống, chúng ta phải lựa chọn: lý trí hay con tim, tình yêu hay sự nghiệp. Câu trả lời lúc nào cũng sẽ là nỗi buồn, thậm chí người lựa chọn sẽ cảm thấy đầy nuối tiếc, nhưng cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải tiếp tục chuyển động, tiến bước, những con tàu vẫn cần phải lăn bánh trên đường ray đã chọn, vấn đề là, bạn đã lựa chọn gì, bạn sẽ phải sống với lựa chọn đó…
Sebastian và Mia có những lựa chọn của họ, đến với nhau, giúp nhau định hướng, giúp nhau thoát ra khỏi những buổi thử vai thất bại, những buổi biểu diễn tầm thường, để rồi vĩnh viễn rời xa trong sự nuối tiếc khôn nguôi, để suốt phần đời còn lại sẽ nhớ về nhau trong ý nghĩ “giá như…”.
Thật dễ dàng để cảm thấy thất vọng, để nghĩ rằng ước mơ khó lòng thành sự thật, rằng tình yêu đích thực chỉ có trong phim, nhưng “La La Land” đã xuất hiện đúng lúc để khiến chúng ta nhớ rằng điện ảnh luôn ẩn chứa điều kỳ diệu, và là một kênh soi chiếu để chúng ta thấy những điều tuyệt vời trong thế giới này.
Có thể ngày hôm nay không nhiều nắng hơn hôm qua, nhưng những ước mơ vẫn khiến chúng ta thức dậy mỗi sáng, để cố gắng nỗ lực đạt được, khiến chúng ta tiếp tục khiêu vũ trong cuộc đời với những khát vọng của riêng mình, để tiếp tục được là “những kẻ khờ mộng mơ”.
Theo Dân trí