.

Chắp cánh cho họa sĩ trẻ sáng tạo

.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đi vào hoạt động mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho phong trào mỹ thuật thành phố, qua đó tạo động lực sáng tác đối với nhiều họa sĩ trẻ.

Việc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đi vào hoạt động càng cổ vũ tinh thần họa sĩ trẻ, thôi thúc họ sáng tạo để có tác phẩm triển lãm.
Việc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đi vào hoạt động càng cổ vũ tinh thần họa sĩ trẻ, thôi thúc họ sáng tạo để có tác phẩm triển lãm.

Những nỗ lực không ngừng

Vừa qua, giải thưởng năm 2016 được Hội Mỹ thuật chọn trao cho các tác phẩm của những họa sĩ trẻ, ghi nhận đóng góp tích cực của họ đối với phong trào mỹ thuật thành phố. Là một trong những người đoạt giải, họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng chia sẻ, hầu hết họa sĩ trẻ làm công việc công sở Nhà nước hay giáo viên, những người sống bằng nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với anh Hải, việc dạy học chiếm phần lớn thời gian, nhưng hễ có cơ hội là sáng tác. Những năm gần đây, anh tìm tòi và theo đuổi nghệ thuật đồ họa, thực hiện nhiều đề tài gai góc trên chất liệu mới lạ như “Phố” (khắc gỗ), “Giao mùa” (chất liệu tổng hợp)... Ngoài ra, anh cùng giảng viên, sinh viên khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng VHNT thành phố có những dự án mỹ thuật theo hướng hiện đại và thu hút công chúng như mỹ thuật đường phố...

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Trường Nam Kha cũng đoạt giải nhì của Hội Mỹ thuật thành phố năm 2016 với tranh khắc gỗ “Ký ức tuổi thơ”. Là họa sĩ được đào tạo bài bản về mỹ thuật, họa sĩ Nam Kha sống bằng nghề dạy vẽ và những năm gần đây làm công tác chuyên môn tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Anh thừa nhận không còn thời gian sáng tác, nhưng không sáng tác thì dễ “lụt nghề” nên anh sắp xếp thời gian hợp lý, đầu tư tác phẩm, tham gia các triển lãm để học hỏi kinh nghiệm.

“Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, tôi cho rằng, họa sĩ trẻ cần lắng nghe và không ngừng học hỏi những người đi trước, kể cả đồng nghiệp. Khi phác thảo ý tưởng, tôi thường hỏi nhiều người, khen có, chê có nhưng từ đó tôi chắt lọc, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Nghệ thuật phải mang dấu ấn cá nhân nhưng không đồng nghĩa với việc đề cao cái tôi của mình”, họa sĩ Nam Kha chia sẻ.

Chính những nỗ lực không ngừng nên 2 năm trở lại đây, phong trào sáng tác của họa sĩ trẻ thành phố có nhiều chuyển biến, nổi lên hoạt động của CLB Đồ họa, Nhóm mỹ thuật trẻ... Việc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đi vào hoạt động càng cổ vũ tinh thần họa sĩ trẻ, thôi thúc họ sáng tạo để có tác phẩm triển lãm tại Bảo tàng. Nhưng để biến khát vọng thành hiện thực là điều không dễ dàng đối với họa sĩ trẻ.

Tạo bức tranh đa chiều của mỹ thuật thành phố

Theo đánh giá của họa sĩ Tường Vinh, so với thế hệ đi trước, họa sĩ trẻ được đào tạo bài bản, tiếp cận chất liệu sáng tác mới, hiện đại. Thời gian gần đây, nhiều họa sĩ trẻ có tác phẩm tham gia triển lãm; tuy nhiên, vẫn chưa có tác phẩm nổi trội bởi nhiều nguyên nhân như: thời gian dành cho sáng tác không nhiều, thiếu môi trường cọ xát... Ông Tường Vinh cho rằng, cần khuyến khích, chắp cánh cho sức sáng tạo của họa sĩ trẻ thông qua các hoạt động triển lãm, sự kiện của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, bởi đây sẽ nguồn nhân lực, góp phần tạo nên bức tranh đa chiều của mỹ thuật thành phố.

Chia sẻ thêm, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố cũng khẳng định, Hội sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật có thêm nhiều triển lãm chuyên đề, tạo cơ hội cho họa sĩ trẻ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với thế hệ đi trước. “Thực tế cho thấy, có một số triển lãm, các họa sĩ tên tuổi không dễ dàng đứng cùng với tay cọ trẻ. Song với mỹ thuật Đà Nẵng, nhiều họa sĩ lớn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ họa sĩ trẻ. Chúng tôi đẩy mạnh trại sáng tác, triển lãm để hội viên, nhất là hội viên trẻ”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.