.

Lễ hội nhiều nhưng thiếu điểm nhấn

.

Từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra gần 20 lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ hội tôn giáo… Để lễ hội đi vào chiều sâu, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, còn rất nhiều việc phải bàn…

Lễ hội Quán Thế Âm dù thu hút hàng vạn người chiêm bái mỗi năm nhưng chưa tạo nên điểm nhấn.
Lễ hội Quán Thế Âm dù thu hút hàng vạn người chiêm bái mỗi năm nhưng chưa tạo nên điểm nhấn.

Khi người dân là chủ thể

Là chủ thể của lễ hội, người dân vừa là đối tượng hưởng thụ vừa là người sáng tạo văn hóa. Điều này mang lại thành công cho lễ hội. Chẳng hạn, trước khi diễn ra lễ hội đình làng thường có phiên họp toàn thể hội đồng các chư phái tộc, ban quản lý đình làng, các vị cao niên... để bàn bạc. Dân làng cũng vừa là thí sinh tham gia các cuộc thi vừa là khán giả cổ cũ nhiệt tình.

Cụ Trần Khôi (85 tuổi), Trưởng ban Quản lý đình làng Túy Loan cho rằng, người dân ý thức được việc làng là việc chung nên đến lễ hội đình làng Túy Loan, ai nấy dù bận việc đến đâu cũng sắp xếp về tham gia. Ngoài ra, họ xem việc đóng góp cho hội làng là trách nhiệm.

Tương tự, lễ hội đình làng Hòa Mỹ nhiều năm qua được xem là lễ hội khá thành công bởi thu hút đông đảo người dân tham gia. Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, dân làng chung tay thực hiện các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động khác.

Chính quyền địa phương hỗ trợ một phần vật chất, trang trí, công tác tổ chức để lễ hội thực sự là hoạt động của người dân. Cũng theo ông Hiển, điều tự hào nhất của dân làng Hòa Mỹ là mỗi người đều tận tâm hướng về cội nguồn. Thông qua lễ hội, nhiều hộ dân nơi khác đến định cư cũng nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng.

Năm 2013, dân làng tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây nhà văn hóa hơn 700 triệu đồng. Mấy năm gần đây, dân làng tự tặng các vật dụng, đồ dùng lưu truyền của ông cha ngày xưa như mâm gỗ, cối đá xay bột, an đong lúa, nồi, giò làm mắm... để hình thành không gian trưng bày tại nhà văn hóa.

Chị Nguyễn Thị Thùy (khu phố Hòa Mỹ 5) chia sẻ, về với hội làng giữa phố, chị như về với cội nguồn. Mọi người xem nhau như người thân, tình làng nghĩa xóm theo đó càng thêm thắt chặt. “Năm nay, tôi dự thi têm trầu. Với đĩa trầu cau này tôi muốn dâng lên tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tôi sẽ luôn nhắc nhở, hướng con cháu về với hội làng, giữ nét đẹp truyền thống này”, chị Thùy chia sẻ.

Chú trọng chiều sâu văn hóa tâm linh

Song không phải lễ hội nào cũng thành công như hai lễ hội kể trên. Một số lễ hội thưa dần người tham gia, phần hội chỉ thấy “thí sinh” và ban tổ chức. Nhiều lý do đưa ra cho thực trạng này như kinh phí eo hẹp, người dân không mặn mà... Nhưng theo nhiều ý kiến, nguyên nhân sâu xa nhất là chất lượng của lễ hội chưa được chú trọng, vai trò chủ thể lễ hội bị lu mờ.

Dẫn chứng lễ hội Quán Thế Âm - lễ hội được xem là thu hút đông đảo người dân và du khách, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, đây là lễ hội mang tính tôn giáo nhưng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật liên quan đến tôn giáo chiếm tỷ lệ thấp trong tổng thể chương trình.

Bên cạnh đó, hoạt động đua thuyền không nhiều người xem, hoạt động văn hóa, nghệ thuật chỉ dừng ở chừng mực nhất định, triển lãm mỹ thuật kém hấp dẫn. Đồng quan điểm, ông Ngô Khôi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo thành phố cũng thừa nhận, 20 năm qua, lễ hội Quán Thế Âm vẫn chưa tạo nên điểm nhấn và chưa thấy đem lại hiệu quả rõ rệt cho kinh tế, xã hội của quận.

Từ thực tế các lễ hội tiêu biểu trên địa bàn thành phố như: lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hải Châu, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội cầu ngư Thanh Khê, lễ hội Quán Thế Âm..., nhiều ý kiến cho rằng, để lễ hội thành công cần dựa vào yếu tố lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, qua đó xây dựng những sự kiện văn hóa đặc trưng, tạo điểm nhấn cho lễ hội. Bên cạnh đó, cần kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác tổ chức lễ hội.

Với gần 20 lễ hội tiêu biểu trên toàn thành phố, nếu được đầu tư chất lượng, đi vào chiều sâu, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội sẽ góp phần đáng kể vào công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của thành phố, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến du khách gần xa...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.