Văn hóa - Giải trí

Quan tâm đầu tư các di tích

08:10, 11/02/2017 (GMT+7)

Năm 2017, nhiều di tích, đình làng tiếp tục được trùng tu, sửa chữa, góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố.

Sở Văn hóa-Thể thao đang tiến hành các thủ tục liên quan để triển khai dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích thành Điện Hải trong năm 2017.
Sở Văn hóa-Thể thao đang tiến hành các thủ tục liên quan để triển khai dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích thành Điện Hải trong năm 2017.

Phát huy các giá trị văn hóa

Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao (VHTT), thời gian qua, ngành Văn hóa và các địa phương tiến hành kiểm kê 18 di tích lịch sử cấp quốc gia, gần 50 di tích lịch sử cấp thành phố, các di tích trong diện bảo vệ để trùng tu theo mức độ ưu tiên, dựa trên đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020” đã được thành phố phê duyệt.

Trước mắt, trong năm 2017, Sở VHTT trùng tu một số di tích đình làng, miếu, lăng trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng như: bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích đình làng Thanh Khê, đình làng Thanh Vinh, miếu Hàm Trung, lăng Ông Kim Liên...; đầu tư Nhà Truyền thống nghề cá làng An Hải Tây.

Song song đó, đơn vị làm hồ sơ trình Bộ VHTT&DL và Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận thành Điện Hải là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, phối hợp cùng Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế làm hồ sơ đề nghị công nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp quốc gia, sau đó là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; đề nghị công nhận di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích lịch sử cấp quốc gia...

“Tôi cho rằng, thành phố còn rất ít các di tích có giá trị. Vì thế, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di tích là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa bởi nó chứa đựng trong đó gốc rễ văn hóa, giá trị tinh thần tốt đẹp, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, mảnh đất cha ông gầy dựng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Năm 2017, trọng điểm của ngành vẫn là thực hiện bước đầu dự án phục hồi di tích thành Điện Hải bởi di tích này có giá trị quá đặc biệt và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo cũng như người dân thành phố”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT bày tỏ.

Giữ hồn cốt di tích

Thời gian qua, quá trình bảo tồn, trùng tu một số di tích ở các tỉnh, thành dẫn đến “phá hỏng” di tích khiến dư luận phản ứng. Vì thế, tu bổ, phục hồi di tích đòi hỏi sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng. Còn nhớ năm 2014, một số đình làng trên địa bàn thành phố được trùng tu.

Ròng rã trong thời gian tu bổ, sửa chữa hơn một năm đó, các vị cao niên trong làng, ban quản lý đình làng phải bám sát công trình vì “không yên tâm”. Thực tế cho thấy, trong quá trình thi công, nhiều công trình bị làm mới và sai lệch yếu tố gốc.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản cho biết, trước khi tiến hành trùng tu, phải thực hiện đầy đủ các bước khảo sát địa hình, chụp ảnh trên diện rộng tất cả kiến trúc của công trình, đo vẽ, đạc họa, làm kỹ khâu tư liệu để lưu giữ, đối chiếu. Trong quá trình trùng tu, có thể có những yếu tố cần thay thế, những yếu tố cần làm mới chứ không phải hạ giải rồi làm lại mới.

Về việc trùng tu di tích trong thời gian đến, ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ thêm, với những công trình đình làng, miếu, lăng, đơn vị sẽ tìm hiểu lai lịch kiến trúc thông qua tài liệu, bản vẽ; tổ chức lấy ý kiến các vị cao niên trong làng.

Đối với những công trình trùng tu lớn, chẳng hạn như thành Điện Hải sẽ được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng thông qua sưu tầm, thậm chí mua tư liệu, dữ liệu liên quan, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu am hiểu về kiến trúc thành cổ cùng tọa đàm, thảo luận... “Nếu quản lý tốt ở tất cả các khâu, tôi cho rằng công tác trùng tu, phục hồi di tích không xảy ra sai sót”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

.