Văn hóa - Giải trí

Bảo tồn giá trị văn hóa vùng biển Sơn Trà

08:10, 20/03/2017 (GMT+7)

Qua 9 năm triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển quận Sơn Trà đến năm 2010 và những năm tiếp theo”, nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống mang đặc trưng của vùng biển Sơn Trà được khôi phục, duy trì và phát triển. Từ đó, khơi dậy trong người dân niềm tự hào, tự tôn về những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Ngư dân tham gia làm lễ nghinh Ông trên bãi biển Sơn Trà. (Ảnh: UBND quận Sơn Trà cung cấp)
Ngư dân tham gia làm lễ nghinh Ông trên bãi biển Sơn Trà. (Ảnh: UBND quận Sơn Trà cung cấp)

Lưu giữ những nét đẹp truyền thống

Ngay từ nhiệm kỳ 2005-2010, Quận ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/QU về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển quận Sơn Trà đến năm 2010 và những năm tiếp theo” và được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo cũng như hành động trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết: “Qua việc thực hiện đề án, quận đã xâu chuỗi các hoạt động của địa phương như lễ ra quân đánh bắt hải sản, lễ hội cầu ngư, hội thi đấu thể dục thể thao... thành một lễ hội, vừa tiết kiệm thời gian lẫn chi phí tổ chức. Các nghi lễ được tổ chức bài bản hơn trước, qua đó đào tạo được nhiều học trò lễ theo nghi lễ truyền thống của địa phương”.

Nhiều phường kêu gọi xã hội hóa và bảo tồn được một số loại hình nghệ thuật mà ngư dân vùng biển ưa thích như hát tuồng, hát bài chòi, hát bả trạo. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư được quận giao cho các phường luân phiên tổ chức hằng năm và dần dần đi vào nền nếp; quy mô tổ chức ngày càng lớn, phát huy được vai trò Ban khánh tiết của các đình làng. Bên cạnh các nghi lễ cúng tế theo nghi thức truyền thống, quận còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, như: Thi kéo co, đan lưới, bơi thúng, ngoáy thúng, bóng chuyền bãi biển, thi hát dân ca, bài chòi...;  trưng bày và bán các sản phẩm hải sản do ngư dân địa phương sản xuất, như: cá khô, nước mắm, mực khô, tôm khô, ruốc...

Theo anh Phan Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, trong lễ hội cầu ngư, phường Phước Mỹ vận động nhân dân tham gia các môn thể thao vùng biển. Hằng năm, phường tổ chức lồng ghép các trò chơi văn hóa vùng biển vào các phong trào thể dục thể thao của địa phương để huy động người dân tham gia. Bên cạnh đó, tuyên truyền trên trang tin điện tử, đài truyền thanh của phường về việc bảo tồn các giá trị văn hóa vùng biển. Đặc biệt, vào ngày 24 tháng Giêng, người dân địa phương tổ chức cúng Minh Niên Xuân Thủ cầu quốc thái dân an và làm lễ nghinh Ông.

Duy trì lễ hội, tôn tạo di tích

Trong thời gian qua, do một số địa phương thực hiện di dời giải tỏa trên diện rộng nên ngư dân chuyển đi nơi khác làm ăn hoặc chuyển nghề. Điều này làm cho các lễ hội văn hóa vùng biển dần dần mai một. Cũng chính vì vậy, hiện chỉ còn 3 phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang hằng năm duy trì tổ chức lễ hội cầu ngư khá bài bản, còn các phường khác chỉ làm lễ mà không có phần hội. Do đó, UBND quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân mới đến tái định cư tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa vùng biển cùng với ngư dân địa phương. Theo anh Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, người từng đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận, những cư dân sống ven sông, ven biển đều có đời sống tâm linh phong phú nên khi địa phương tổ chức các lễ hội, họ đều tham gia nhiệt tình.

Song song đó, quận Sơn Trà cũng đầu tư trùng tu, tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử, văn hóa từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện đình làng Mỹ Khê đã được thành phố hỗ trợ gần 2,1 tỷ đồng kinh phí bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích, gồm: gia cố và phục hồi các hạng mục xuống cấp như mái đình, cột, kèo, quét vôi tường, lát gạch nền, phục hồi các họa tiết hoa văn... Dự kiến, công trình sẽ được khởi công trong tháng 3-2017 và hoàn thành vào tháng 6-2017. Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cũng tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà truyền thống Nghề cá làng An Hải Tây với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 3 tỷ đồng từ ngân sách của thành phố.

Ngoài một số di tích lịch sử văn hóa được trùng tu tôn tạo, sửa chữa hằng năm, hiện trên địa bàn một số phường vẫn còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh bị xuống cấp nặng do thiên tai và thời gian nhưng chưa được đầu tư tôn tạo. Các hoạt động thể thao truyền thống được khôi phục song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất. Do đó, để thực hiện tốt đề án, quận Sơn Trà sẽ tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp; đồng thời hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án để đúc rút kinh nghiệm, từ đó có giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng biển.

      Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

.