Văn hóa - Giải trí
Đóng góp mới về học thuật chủ quyền biển, đảo
Tập sách Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc được cho là có đóng góp mới về học thuật, tạo thêm một bằng chứng mới có sức thuyết phục vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa và với Biển Đông, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trước tác học thuật về chủ đề này được biên soạn và xuất bản.
Tập sách của PGS, TS Ngô Văn Minh ra mắt độc giả vào đầu tháng 3-2017. |
Tập sách nói trên của PGS.TS Ngô Văn Minh do NXB Đà Nẵng ra mắt độc giả vào đầu tháng 3-2017 trước hết là một trước tác học thuật - nói theo ngôn ngữ của các nhà lý luận văn học - được viết không phải vì có thể viết mà là vì không thể không viết. Điều đó có nghĩa rằng, nghiên cứu về biển đảo Việt Nam nói chung, về quần đảo Hoàng Sa nói riêng, những người làm khoa học lịch sử ở Đà Nẵng - và ở Việt Nam - như Ngô Văn Minh vốn có sự thôi thúc từ bên trong, đòi hỏi họ không thể không đọc, không nghĩ và không viết về thực thể được xem là máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc - như Ngô Văn Minh quan niệm.
Cái khó của Ngô Văn Minh khi biên soạn Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc không nằm ở chỗ “cuốn sách hình thành trên cơ sở tích hợp các bài viết theo một số mảng nội dung nên tất sẽ không đảm bảo được tính hệ thống, toàn diện”, như tác giả đã thưa trong lời đầu sách.
Cái khó thực sự của Ngô Văn Minh - và chắc không riêng Ngô Văn Minh - là làm sao để Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc có thể có đóng góp mới về học thuật, tạo thêm một bằng chứng mới có sức thuyết phục vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa và với Biển Đông, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trước tác học thuật về chủ đề này được biên soạn và xuất bản.
Nếu không như thế thì dẫu năng lực tổng hợp khái quát tài liệu của soạn giả công phu nghiêm túc đến mấy, Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc cũng khó mà đáp ứng được mong đợi của đông đảo độc giả.
Có vẻ như Ngô Văn Minh ý thức sâu sắc được cái khó thực sự của mình và đã tìm cách để vượt qua. Vì thế, đọc Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc, độc giả hẳn dễ nhận ra dụng công tạo sự khác biệt của Ngô Văn Minh khi biên soạn hai chương sách có liên quan đến đất Quảng: Người Quảng Nam - Đà Nẵng với chủ quyền biển đảo và Sự quản lý liên tục của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956 đến năm 1974 - đúng hơn là đến cuối tháng 3-1975, khi xã Hòa Long, quận Hòa Vang thuộc về chính quyền cách mạng.
Đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thì quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa và hàng ngàn đảo lớn nhỏ nữa như Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc... đều gắn bó máu thịt với tất cả người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài, chứ không riêng gì với người Quảng Nam - Đà Nẵng.
Có điều, như là duyên phận của lịch sử, người Quảng Nam - Đà Nẵng gắn bó nhiều hơn với chủ quyền biển đảo, nhất là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Nói duyên phận của lịch sử là bởi không tính giai đoạn trước đó dài hàng mấy thế kỷ, chỉ tính từ ngày 13-7-1961, khi quần đảo Hoàng Sa trở thành một đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là Định Hải cho đến nay, tức hơn nửa thế kỷ qua, chính quyền Quảng Nam - Đà Nẵng đã thay mặt chính phủ Trung ương liên tục thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với quần đảo này.
Nhìn từ góc độ học thuật, cách tiếp cận của Ngô Văn Minh qua chương Sự quản lý liên tục của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956 đến năm 1974 rất đúng hướng.
Khi nghe tham luận Đà Nẵng trong quá trình củng cố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa của người viết bài này tại Hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tổ chức vào hai ngày 20 và 21-6-2014 ở Đà Nẵng - với cách tiếp cận tương tự cách tiếp cận của Ngô Văn Minh, TS. Trần Công Trục trong bài trả lời phỏng vấn báo Dân Trí ngày 1-7-2014 cho rằng:
“Cách tiếp cận của Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, trong bài tham luận tại hội thảo tại Đà Nẵng vừa qua, tôi cho đấy mới là cách tiếp cận đúng đắn. Ông đã đưa ra tất cả các bằng chứng có tính nhà nước có liên quan đến hoạt động ở Hoàng Sa, liên quan đến những quyết định hành chính, thành lập các đơn vị hành chính trong quá trình lịch sử”. So với giới hạn về dung lượng của một tham luận, chương sách của Ngô Văn Minh có điều kiện thể hiện cách tiếp cận đúng đắn ấy đầy đủ và thuyết phục hơn.
BÙI VĂN TIẾNG