.

Để di tích "sống" trong lòng dân

.

Gần đây, nhiều chương trình đưa học sinh tham quan di tích giúp các em hiểu biết lịch sử địa phương và hình thành ý thức bảo vệ di tích.

Học sinh trên địa bàn quận Sơn Trà xem triển lãm tranh tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây).
Học sinh trên địa bàn quận Sơn Trà xem triển lãm tranh tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây).

Hào hứng với lịch sử địa phương

Mới đây, Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) quận Thanh Khê tổ chức hướng dẫn các đoàn học sinh Trường THPT Thanh Khê, Trường THPT Thái Phiên..., đi thăm di tích Nhà tưởng niệm Mẹ Nhu để các em tận mắt nhìn thấy căn hầm nơi các Dũng sĩ Thanh Khê ẩn nấp chiến đấu với quân thù cũng như được nghe về những chiến công oanh liệt của Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê ngày ấy. Chị Trầm Khương, cán bộ Phòng VHTT quận, người trực tiếp thuyết minh tại di tích Nhà tưởng niệm Mẹ Nhu cho biết, học sinh rất hào hứng tìm hiểu lịch sử địa phương và sau buổi tham quan, các trường thường cho học sinh viết bài thu hoạch nêu cảm nhận về di tích này.

Để di tích ngày càng phát huy giá trị, ngành chức năng cũng linh động lồng ghép hoạt động văn hóa tại di tích lịch sử như: tổ chức ngày hội văn hóa dân gian, tổ chức ngày thơ... Cụ thể, quận Sơn Trà tổ chức Ngày hội “Trang sách hồng” tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây), quận Hải Châu tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu tại đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1) với sự tham gia của nhiều học sinh các trường địa phương. Qua tham gia những hoạt động và không gian văn hóa “mới mẻ” với giới trẻ này, các em học sinh vừa cảm thấy thích thú, vừa mong muốn được khám phá nhiều hơn nữa.

Em Đặng Khánh Linh, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Đến đây em được nghe giới thiệu về Thoại Ngọc Hầu, một danh tướng lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc, được nhân dân Châu Đốc, An Giang tôn kính như một vị thần nên càng thêm tự hào về quê hương mình. Em mong có nhiều buổi tham quan các di tích lịch sử địa phương”.

Cần đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu di tích, lịch sử

Thành phố hiện có 18 di tích lịch sử cấp quốc gia, gần 50 di tích lịch sử cấp thành phố. Thời gian qua, ngành văn hóa cũng tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành địa phương tập trung phát huy giá trị di tích, để di tích “sống” trong lòng dân.

Theo đó, phòng VHTT các quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng phối hợp ngành giáo dục tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh địa phương, dựa trên chủ trương xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Nhiệm vụ của Phòng VHTT các quận, huyện là giới thiệu địa điểm và giá trị các di tích cấp quốc gia, di tích cấp thành phố trên địa bàn đến Phòng Giáo dục quận, huyện; từ đó phổ biến đến các trường để sắp xếp đưa học sinh tham quan, tìm hiểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết, hiện nay, giờ học tập, sinh hoạt của học sinh tại các trường khá dày đặc nên công tác tổ chức đưa học sinh đến các điểm di tích vẫn chưa được chú trọng và khá thưa thớt.

Hiện nay, các quận, huyện đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu về di tích, lịch sử; chú trọng sự phối hợp giữa hai ngành văn hóa và giáo dục.

“Trong những năm qua, hoạt động tham quan di tích gắn với chăm sóc và bảo vệ các di tích đã góp phần khơi dậy tình yêu với quê hương, hiểu biết lịch sử địa phương và nâng cao ý thức bảo vệ di tích trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì thế, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác phối hợp để di sản thực sự đi vào đời sống, đó mới là cách phát huy giá trị di sản”, bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng VHTT quận Sơn Trà nói.

Bà Võ Thị Phương cho biết thêm, trong năm 2017, Phòng VHTT quận phối hợp với Phòng Giáo dục đưa nội dung hướng về các di tích, lịch sử trên địa bàn quận gắn với từng phong trào của các trường; đồng thời, xây dựng cẩm nang về các di tích gửi đến từng trường; tổ chức hội thi tìm hiểu về di tích, lịch sử...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
.
.
.
.
.