.

Nhà hát tuồng khó sáng đèn hằng đêm

.

Năm 2016 vừa qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khá sôi nổi với 272 buổi biểu diễn, riêng biểu diễn tại nhà hát 150 buổi. Song, số đêm biểu diễn một vở tuồng trọn vẹn tại nhà hát chỉ 12/150 buổi. Điều này khiến những người tâm huyết với nghệ thuật tuồng không khỏi băn khoăn.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà 2017.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà 2017.

Vừa qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vinh dự nhận Cờ thi đua của Chủ tịch UBND thành phố về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016; Cờ thi đua của Bộ VH-TT&DL về dẫn đầu phong trào thi đua năm 2016. Đây là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ nhà hát. Năm 2016, nhà hát đã thực hiện 272 buổi biểu diễn bao gồm hoạt động đưa tuồng xuống phố; chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách; biểu diễn tại các lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư; biểu diễn phục vụ chính trị tại vùng ven thành phố... Tuy nhiên, số đêm biểu diễn nghệ thuật tuồng truyền thống tại sân khấu nhà hát tuồng rất ít; điều đáng nói là số lượng người xem chỉ khoảng 15-20 người/đêm.

Ngược với sự đìu hiu tại sân khấu khang trang, ánh đèn hoa lệ của nhà hát tuồng, các vở diễn khi mang về sân khấu làng quê được đón nhận nồng nhiệt. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, hạnh phúc của những người làm nghệ thuật tuồng truyền thống là nhìn xuống phía dưới thấy khán giả chăm chú xem và dành những tràng vỗ tay động viên.

Ấn tượng nhất với các nghệ sĩ nhà hát tuồng là tình cảm của người hâm mộ tại làng biển An Dương (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong dịp lễ hội làng tháng Giêng vừa qua. “Họ vẫn giữ được truyền thống xem tuồng của người xưa. Ở những đoạn cao trào mà họ cho là ấn tượng thì sẽ thưởng tiền cho diễn viên bằng cách ném những thẻ lên sân khấu, 10.000 đồng/bó thẻ gồm 20 cây.

Chỉ diễn 3 đêm mà tiền thưởng ở mức 50 triệu đồng. Anh em nghệ sĩ nói với nhau rằng, đó là những đêm diễn “mơ ước”. Song, đó không đơn thuần là chuyện thu nhập mà là sự trân quý, tình cảm của người dân dành cho nghệ thuật tuồng”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, những đêm diễn phục vụ bà con vùng ven Đà Nẵng cũng thu hút không ít khán giả. Điều đó cho thấy tình yêu với nghệ thuật tuồng vẫn còn trong nhân dân.

Lý giải việc người dân không đến rạp để xem tuồng, ông Trần Ngọc Tuấn cho rằng có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, lớp khán giả yêu thích và am hiểu tuồng đa phần di dân ra khỏi vùng trung tâm. Bây giờ, họ đã cao tuổi nên không dễ đến nhà hát để xem.

Thứ hai, lớp khán giả trung niên thích tuồng lại không nhiều và họ có quá nhiều sự lựa chọn giải trí thời công nghệ số. Trong khi đó, khán giả trẻ bị “đứt đoạn” với nghệ thuật tuồng, không được dạy nghệ thuật này ở học đường. Trước tình trạng trên, Nhà hát không còn cách nào khác là đưa tuồng xuống phố, về các làng quê, hay đến học đường... để mong nghệ thuật tuồng “sống” được trong lòng dân, từ đó dần nuôi dưỡng tình yêu tuồng đối với mọi thế hệ.

“Chúng tôi không né tránh trách nhiệm về việc nhà hát không sáng đèn hằng tuần. Nhưng để tìm lại những người biết tuồng, thuộc làu tuồng như ngày xưa thì chỉ còn cách đào tạo từ gốc. Nếu thế, phải có giải pháp đồng bộ giữa các ngành liên quan. Những hoạt động hiện tại của nhà hát nhằm bảo tồn loại hình nghệ thuật này”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu truyền thống, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật tuồng không khỏi băn khoăn trước tình trạng hiện nay của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều lần tâm sự về nghề, NSND Trần Đình Sanh cho rằng, nhiệm vụ của mỗi một nghệ sĩ, diễn viên là sự đam mê với nghề, không ngừng luyện tập, nâng cao chuyên môn, đầu tư từng vai diễn; vị trí của họ là trên sân khấu chứ không phải nơi nào khác.

Vì thế, để nhà hát tuồng sáng đèn hằng đêm, cần sự nhìn nhận nghiêm túc về cách thức bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, cần sự chung tay của các ngành liên quan cũng như sự định hướng, quan tâm đến nơi đến chốn của các cấp.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.