.

Xã hội hóa dịch vụ tại thiết chế văn hóa: Quản không khéo dễ gây phản cảm

.

Thời gian qua, việc xã hội hóa hoạt động dịch vụ tại các thiết chế văn hóa góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ sẽ gây hình ảnh phản cảm tại chính không gian văn hóa đó.

Ô-tô, xe máy đậu, đỗ ngay trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật.
Ô-tô, xe máy đậu, đỗ ngay trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật.

Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có khá nhiều khu vui chơi giải trí (KVCGT). Bên cạnh các thiết bị vui chơi, thể thao được lắp đặt cố định để phục vụ người dân như: xích đu, bập bênh, thiết bị tập lưng eo, đi bộ trên không...; còn có KVCGT của tư nhân đáp ứng nhu cầu giải trí của trẻ em như: tàu lửa, câu cá, tô tượng...

Có thể nói, hoạt động KVCGT của tư nhân tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp tại không gian văn hóa công cộng này. Anh Nguyễn Mên (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, mỗi tối cuối tuần, anh thường đưa con ra KVCGT để tập thể dục và vui chơi.

Sau khi tập thể dục, anh Mên cho con chơi vài trò chơi tại đây. “Một số trò chơi giải trí có thu phí tại các KVCGT công cộng khá phù hợp với trẻ con, lại không tốn quá nhiều tiền nên tôi có thể cho con vui chơi thỏa thích”, anh Mên nói.

Không chỉ các KVCGT, một số thiết chế văn hóa khác trên địa bàn thành phố như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện... cũng xã hội hóa loại hình dịch vụ giải khát. Theo ông Ngô Chính Công, Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê), xã hội hóa thêm loại hình dịch vụ tại các thiết chế văn hóa là hướng đi phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính.

Ngoài loại hình dịch vụ, cần thu hút sinh hoạt của các CLB, đội, nhóm theo hình thức xã hội hóa tại các nhà văn hóa để tạo không khí sinh động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân theo hướng lành mạnh.

Tuy nhiên, do quản lý chưa chặt chẽ nên nhiều thiết chế văn hóa tạo hình ảnh không đẹp mắt. Dẫn chứng về KVCGT tại địa phương, anh Lê Thanh (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, một số trò chơi giải trí có thu phí tại KVCGT này do thanh niên trông coi. Dù có không ít trẻ con vui chơi tại đây nhưng họ vẫn thản nhiên tiêu khiển bằng trò “đỏ - đen”. “Điều này vô tình biến một nơi văn hóa trở thành thiếu văn hóa”, anh Thanh nêu ý kiến.

Gần đây, cà-phê Gallery tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra đời tạo điều kiện cho người dân và du khách có điểm dừng chân nghỉ ngơi khi tham quan Bảo tàng; đồng thời nguồn kinh phí thu được từ xã hội hóa dịch vụ giải khát bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên cho Bảo tàng.

Tuy nhiên, việc sử dụng khuôn viên Bảo tàng để đậu, đỗ ô-tô, xe máy của khách khi đến Cà-phê Gallery tạo hình ảnh không đẹp đối với không gian văn hóa này. Trong khi đó, theo quy hoạch, khuôn viên sẽ làm vườn tượng, tạo điểm nhấn cho Bảo tàng.

“Chúng tôi tiếp thu ý kiến đóng góp và sẽ nhắc nhở đơn vị kinh doanh hướng dẫn khách đậu, đỗ xe bên ngoài theo đúng quy định”, lãnh đạo Bảo tàng nói.

Xã hội hóa là hướng đi phù hợp theo cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và đáp ứng nhu cầu người dân, du khách. Nhưng “xã hội hóa” tại các thiết chế văn hóa lâu nay luôn gặp sự mâu thuẫn giữa yếu tố kinh tế và yếu tố văn hóa.

Vì vậy, nếu quản lý chặt chẽ sẽ góp phần tạo hoạt động sôi nổi, thu hút người dân và du khách đến với thiết chế văn hóa. Ngược lại, nếu buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến sự phản cảm tại chính không gian văn hóa đó.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.