"Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn": Vinh danh nhiếp ảnh Thông tấn

.

“Bức ảnh ấy đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ở đó, chân dung vị lãnh tụ hiện lên thật giản dị, gần gũi với thần thái ung dung, tự tại. Bác không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm ấy mà còn là người nhạc trưởng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ về tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của cố nhà báo Lâm Hồng Long.

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

 Khoảnh khắc lịch sử

Ông Chu Chí Thành cho biết, mặc dù “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” được chụp từ hơn nửa thế kỷ trước và đã được trưng bày, giới thiệu tại nhiều triển lãm ảnh (trong nước và quốc tế) nhưng cho đến nay, công chúng vẫn không khỏi nghẹn ngào mỗi khi xem lại.

“Bức ảnh như có sức hút vô hình, níu chân người xem. Tôi còn nhớ, trong một cuộc triển lãm nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác (được tổ chức ở Hà Nội), có những cụ già đã lặng đi, đôi bàn tay run run, hai hàng nước mắt chực trào ra từ đôi mắt mờ đục khi những nếp nhăn trên gương mặt xô ép lại trong lúc ngước nhìn bức ảnh này,” ông Chu Chí Thành hồi tưởng.

Mạch truyện nối dài, ông Thành kể: “Có những khoảnh khắc tình cờ đã đưa đến cho người cầm máy những tác phẩm mang tính lịch sử. Điều này ứng với trường hợp của cố nhà báo Lâm Hồng Long và bức ảnh ‘Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn.’ Sinh thời, tác giả Lâm Hồng Long vẫn thường kể lại câu chuyện về sự ra đời của bức ảnh và mỗi lần như vậy, gương mặt ông rạng rỡ, ánh lên niềm tự hào.”

[Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh: Câu chuyện huyền thoại]

Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” được chụp tối 3/9/1960 tại chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba (tổ chức tại công viên Bách Thảo, Hà Nội).

Trong buổi tối hôm ấy, việc Bác bước lên chiếc bục của nhạc trưởng, tay cầm đũa chỉ huy dàn nhạc thể hiện ca khúc “Kết đoàn” là một bất ngờ lớn đối với tất cả những người có mặt tại đây. Các phóng viên ảnh đều háo hức, hồi hộp để ghi lại hình ảnh ấy của Người.

“Trước đó, người ta thường chỉ gặp hình ảnh Bác diễn thuyết hay bàn việc quân. Còn lần này, Bác là một nhạc trưởng chỉ huy đàn nhạc giao hưởng. Thế nhưng, khi ấy, Bác đứng hướng về phía dàn nhạc. Nếu đứng chụp từ phía dưới khán đài thì chỉ có thể chụp được phần lưng của Người. Sự háo hức ban đầu dần chuyển sang hồi hộp, lo lắng khi khuôn hình không có gương mặt Bác,” ông Thành kể.

Trước thực tế này, các phóng viên ảnh dần di chuyển vào phía trong sân khấu để chụp hướng ra, thu vào ống kính hình ảnh gương mặt Bác. Thế nhưng, nhà báo Lâm Hồng Long vẫn kiên trì ở lại vị trí ban đầu.

“Bằng linh cảm của một phóng viên ảnh thường xuyên được phân công chụp ảnh Bác và nhạy cảm nghề nghiệp của một tay máy kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam, ông tin rằng, sẽ có lúc Bác hướng ra phía ngoài - nơi có rất đông đồng bào đang chăm chú dõi theo Người. Cuối cùng, việc ‘đánh cược’ với thời gian ấy đã đưa đến một kết quả thật bất ngờ. Khi bài hát sắp kết thúc, Bác bất ngờ xoay người, hướng ánh nhìn về phía khán giả. Nhà báo Lâm Hồng Long là người duy nhất chớp được khoảnh khắc ấy, ghi lại hình ảnh Bác cầm đũa chỉ huy của nhạc trưởng với hậu cảnh là dàn nhạc đang say sưa trình diễn,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành kể.

Vinh danh nhiếp ảnh Thông tấn

Theo nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” có tính lịch sử trọng đại, giàu giá trị nhân văn, vừa đảm bảo tính thời sự của báo chí vừa chứa đựng giá trị nghệ thuật cao.

Hình ảnh Bác mặc áo lụa sáng, chân đi dép cao su nổi bật trên một phông nền sẫm. Ở phía sau, các nhạc công với gương mặt rạng rỡ đang say sưa biểu diễn. Hình ảnh những bóng đèn xuất hiện góp phần làm cho khuôn hình trở nên lung linh, giúp người xem hình dung đến những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời.

“Bức ảnh có bố cục chặt chẽ, vừa có tính khái quát cao vừa có những chi tiết sinh động; làm nổi bật chân dung vị lãnh tụ vĩ đại mà vô cùng giản dị, ung dung tự tại,” ông Thành phân tích.
 

Đũa nhạc trưởng Bác sử dụng để bắt nhịp bài ca
Đũa nhạc trưởng Bác sử dụng để bắt nhịp bài ca "Kết đoàn." (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

 Bên cạnh tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn,” cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Lâm Hồng Long còn để lại nhiều bức ảnh nổi tiếng khác chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Bác Hồ trong Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước (1966), Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt - người mẹ anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ, Bác Hồ với thiếu nhi dũng sỹ miền Nam 1969…

Trước khi tập kết ra Bắc (1954), nhà báo Lâm Hồng Long luôn ước mong được gặp vị cha già kính yêu của dân tộc. Ước nguyện của ông đã trở thành hiện thực khi ông trở thành phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), được phân công chụp ảnh Bác trong nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử. Ông đã chụp những bức hình bằng tất cả tâm-tài của một phóng viên ảnh và sự kính yêu của một người con đất Việt.

Năm 1996, nhà báo Lâm Hồng Long được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với hai tác phẩm ảnh: “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt.”

Hiện nay, chiếc đũa nhạc trưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng để bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nhà báo-nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long sinh năm 1925 tại Bình Thuận. Ông hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, từng nhiều lần bị địch bắt, tù đày.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở thành phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1971, ông vào tuyến lửa Quảng Bình, trở thành một trong những “tay máy” chủ chốt ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ở chiến trường.

Nhà báo Lâm Hồng Long qua đời năm 1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.