Về “xuất xứ” cuốn sách, bà Nguyễn Thị Nhất (phu nhân của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện) đã viết từ năm 2003, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Nguyễn Khắc Viện “…Câu chuyện này, anh Nguyễn Khắc Viện kể trong không khí ấm cúng của gia đình vào những buổi tối năm 1993, lúc anh tròn 80 tuổi. Do sức yếu, mỗi tối anh chỉ nói khoảng một tiếng đồng hồ, nên phải gần 100 buổi tối mới kể xong…”. Từ chồng băng ghi âm này, những người thân của ông phải mất rất nhiều công phu nữa mới thành văn bản. Tuy đã tôn trọng lời kể của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện một cách tối đa, nhưng cuốn sách hẳn là không thể hiện được 100% văn phong của Nguyễn Khắc Viện, chỉ các chi tiết, sự kiện là bảo đảm tính chân thực của một hồi ký.
Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. (Ảnh: nhandan.com.vn) |
Cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) thì nhiều sách báo đã nói đến, nhưng chỉ qua hồi ký được xuất bản vào dịp 20 năm bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện ra đi, người đọc mới hiểu được cặn kẽ nguồn cơn cùng những suy tư trong cuộc đời khá đặc biệt của ông. Chúng ta sẽ hiểu vì sao con một đại quan triều Nguyễn, sống ở Pháp 26 năm mà chống Tây quyết liệt đến mức bị trục xuất năm 1963, nhưng đến năm 1992 lại được Giải thưởng Lớn về Pháp ngữ của Viện Hàn Lâm Pháp. Cũng sẽ hiểu rõ hơn, ông lấy nghị lực ở đâu để vượt qua cửa tử khi phải lên bàn mổ đến 7 lần để chữa trị bệnh tật mà vẫn đủ sức lặn lội tổ chức hoạt động Việt kiều mặc dù luôn bị cảnh sát Pháp truy lùng. Về nước, ông xông pha khắp các “mặt trận” - từ “cải tổ” cách làm văn hóa đối ngoại đến tuyến lửa Quảng Bình-Vĩnh Linh, rồi chu du 24 nước làm “thuyết khách” và đối thoại với những nhà báo, trí thức sừng sỏ phương Tây trước những dư luận trái chiều về các biến cố lịch sử quan trọng của Việt Nam như quan hệ với Campuchia, thời điểm thống nhất đất nước…
Qua những trang hồi ký, bạn đọc hiểu được “hậu trường sân khấu” không hề đơn giản… Đặc biệt, Chương 5 của hồi ký (“Vì sự nghiệp đổi mới, vì nền dân chủ”), lần đầu tiên Nguyễn Khắc Viện kể tỉ mỉ - có thể gọi là “giải mật” hoặc “bạch hóa” những lời đồn và cả những phê phán nặng nề khi ông liên tục viết báo, gửi kiến nghị lên các cơ quan Đảng và Nhà nước, bày tỏ những thao thức trăn trở và đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến trình Đổi Mới đất nước, cả chuyện Tổng Bí thư Đỗ Mười mời ông đến gặp và đối thoại cũng được “trần thuật” rõ ràng...
Để thấy được phần nào cốt lõi những thao thức khiến Nguyễn Khắc Viện liên tục viết “kiến nghị” một cách thẳng thắn, không né tránh các vấn đề “nhạy cảm”, mời bạn đọc vài dòng trích từ hồi ký của ông:
“…Trước đây, tôi và một số anh em có sai lầm là nghĩ rằng bộ máy quyền lực, bộ máy quan chức trong chế độ cũ, chế độ phong kiến mới đối lập với nhân dân, còn trong xã hội ta, bộ máy quyền lực đã hòa nhập với dân rồi, đã dân chủ rồi, không cần đặt vấn đề nữa. Bây giờ qua kinh nghiệm bao nhiêu năm, mới thấy không thể nào có dân chủ tự phát. Ta tuyên bố chủ nghĩa xã hội, tự nhiên bộ máy quan liêu không còn nữa. Đó là ảo tưởng. Có quyền lực trong tay thì nhất định có mâu thuẫn giữa cấp trên lãnh đạo với cấp dưới bị lãnh đạo. Thực chất lúc quốc hữu hóa tài sản, tập thể hóa ruộng đất, thì bộ máy lại càng quan liêu nặng nề hơn…”.
“…Thay đổi thái độ một cách rõ rệt nhất chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trước rất cởi mở, muốn thúc đẩy nhanh việc cải tổ, dân chủ hóa, đến năm 1989, quay ngược lại 180o… Ý kiến tôi cũng như nhiều anh em khác mong mỏi có sự dân chủ hóa. Ai cũng muốn có ổn định, chứ không phải những người muốn dân chủ là muốn cho xáo trộn loạn lạc lên. Nói như vậy chỉ là sự vu khống. Chính vì muốn tránh bùng nổ, mà tôi muốn nhịp độ dân chủ hóa phải nhanh hơn, nếu không, bề ngoài cứ tưởng là ổn định, nhưng tình trạng mất dân chủ gây nên phản ứng như những đợt sóng ngầm, đến lúc nào đó không tránh khỏi bùng nổ…”.
“… Hiện nay, trong một giai đoạn nhất định, Đảng Cộng sản được giao phó nhiệm vụ lịch sử, nhưng không phải là vĩnh cửu, cha truyền con nối. Cũng không thể độc quyền, độc tôn...”.
“…Tôi đã thấy rõ ràng một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi cùng với tôi, đi đến chỗ này bảo: “Tôi sẽ đào con kênh”, đến chỗ khác bảo: “Tôi sẽ cho trồng mía”... “Tôi sẽ dời dân đi”... Ông làm như tỉnh đó là của ông ấy, muốn làm gì thì làm, đặt ai ở đâu thì ngồi đấy. Trong thời chiến, phải bí mật thì có thể tập trung, thời bình này các vấn đề kinh tế, văn hóa rất phức tạp, không thể nào một người quyết định tất cả vấn đề như vậy được…”.
Những suy nghĩ và kiến nghị của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không phải điều nào cũng đúng, nhưng một đảng viên-trí thức, đến lúc qua đời được Tổng Bí thư Đỗ Mười ghi nhận là “người đảng viên cộng sản giàu nghị lực, một nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng”, còn tiến sĩ sử học Charles Fourniau, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt công nhận “Ông mãi là người thầy của tôi” thì thiết nghĩ những điều bác sĩ Nguyễn Khắc Viện giãi bày cuối đời cũng nên được lắng nghe, tham khảo, nhất là khi nhiệm vụ tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước đang đặt ra cấp thiết như hiện nay…
Phần “Phụ lục” của tác phẩm gồm “Niên biểu Nguyễn Khắc Viện” và 4 bài viết (trong đó có 3 bài đã đăng trên Báo Nhân dân, Người đại biểu nhân dân) giới thiệu, phân tích mấy chục “Kiến nghị”, đánh giá tổng quát sự nghiệp của Nguyễn Khắc Viện có lẽ cũng là tài liệu tham khảo bổ ích cho nhiều người.
Nguyễn Hoàng
(Đọc “Ước mơ và Hoài niệm - Nguyễn Khắc Viện kể chuyện”, hồi ký của Nguyễn Khắc Viện - NXB Tri Thức, 2017)