Sáng 30-5, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố phối hợp với Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di chỉ vườn đình Khuê Bắc năm 2017. Lần khai quật này được thực hiện trên diện tích 50m2, chiều dài theo hướng đông - tây, chiều rộng theo hướng bắc - nam, vuông góc với hố khai quật năm 2015.
Lần này, đoàn khảo cổ phát hiện nhiều loại hình di vật gồm: công cụ đá (rìu, bàn mài, hòn kê, hòn đập), đá nguyên liệu (màu trắng đục, vàng trắng, hoặc nâu xám, xanh xám), đá nguyên liệu chế tạo đồ trang sức (màu nâu đỏ, nâu đen, nâu đỏ đen) và số lượng lớn các mảnh gốm có hoa văn trang trí dạng văn thừng, hoa văn chấm, hoa văn khắc vạch... Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận định đây là di chỉ cư trú, mộ táng, chế tác công cụ và đồ trang sức. Lần khai quật này góp phần củng cố kết quả hai lần khai quật trước vào năm 2001 và 2015, khẳng định di chỉ thuộc thời kỳ tiền Sa Huỳnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù lao Chàm, tỉnh Quảng Nam), Long Thạnh (tỉnh Quảng Ngãi); đặc biệt di chỉ Bàu Trám, Bãi Ông (tỉnh Quảng Nam) có niên đại cách đây khoảng 3.000 - 3.500 năm.
Viện Khảo cổ học kiến nghị các ngành chức năng thực hiện việc xếp hạng di tích khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc cấp thành phố, tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia vì đây là di chỉ thứ hai ở miền Trung còn xác định được địa tầng nguyên vẹn - cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh tại vùng đất Đà Nẵng nói riêng và mảnh đất miền Trung nói chung; đồng thời, tiến hành xuất bản sách giới thiệu toàn bộ giá trị của di chỉ, thực hiện khai quật tổng thể trước khi giải phóng mặt bằng làm đường dẫn vào đình làng Khuê Bắc.
NGỌC HÀ