4 trại sáng tác, 2 triển lãm chuyên đề đồ họa là những con số không lớn nhưng so với 3 năm ra đời của CLB Đồ họa Đà Nẵng, đó là sự nỗ lực không ngừng của các họa sĩ đam mê tranh đồ họa.
Nhiều tác phẩm đồ họa chất lượng ra đời tại trại sáng tác đồ họa lần thứ tư tổ chức vào tháng 4-2017. TRONG ẢNH: Sáng tác tại xưởng của họa sĩ Trường Chinh. |
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào sân chơi tranh đồ họa, họa sĩ Lê Huy Hạnh, Chủ nhiệm CLB Đồ họa Đà Nẵng cho rằng, đó là thách thức không nhỏ đối với anh em họa sĩ. Bởi thời điểm trước năm 2000, trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tranh đồ họa có phần đơn độc và khó gặt hái giải thưởng. Không riêng Đà Nẵng, cả hai trung tâm mỹ thuật lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tranh đồ họa đều góp mặt quá khiêm tốn về số lượng, chất lượng trong triển lãm khu vực.
Bước ngoặt của phong trào tranh đồ họa Đà Nẵng là khi các họa sĩ tham gia trại sáng tác trên toàn quốc và đạt những kết quả khả quan. Tại trại đồ họa lần thứ nhất tổ chức ở Trung tâm Mỹ thuật đương đại Việt Nam năm 2012, 8 họa sĩ Đà Nẵng có tác phẩm chọn trưng bày và được đưa vào bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đến tháng 3-2014, 5 họa sĩ Đà Nẵng tiếp tục tham gia trại “Đồ họa không giới hạn” tại Huế và triển lãm đồ họa “Nối vòng tay lớn” tại Hà Nội gây sự chú ý của giới mỹ thuật cả nước và những người yêu nghệ thuật đồ họa.
Những kết quả ấy đã khích lệ tinh thần nhiều họa sĩ đam mê hội họa, kết nối họ và tạo động lực để họ quyết định thành lập CLB Đồ họa Đà Nẵng vào tháng 10-2014. CLB có hơn 30 thành viên, nòng cốt là các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm, các thầy cô giáo tiếp cận những kỹ thuật đồ họa mới từ nước ngoài nên thuận tiện trong việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. 3 năm qua, CLB tổ chức 4 trại sáng tác, 2 triển lãm chuyên đề đồ họa với số lượng tác phẩm ngày một tăng, đa dạng về phong cách, chất liệu...
Theo họa sĩ Phan Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Đồ họa Đà Nẵng, trước đây, một số kỹ thuật đồ họa ấn loát thường được sử dụng sáng tác và giảng dạy như khắc gỗ, khắc thạch cao, khắc kim loại, in đá, in lưới; sau này có thêm khắc cao su, in độc bản.
Cách đây vài năm, kỹ thuật đồ họa có thêm in phá bản, mộc bản, collagraph (in phối chất), in lụa...; đặc biệt là sự kết hợp nhiều yếu tố kỹ thuật, chất liệu và thể loại. Trong mỗi trại sáng tác hay tại các buổi tập huấn, CLB đều chia sẻ kỹ thuật mới cho các thành viên.
Như tại trại sáng tác đồ họa do CLB tổ chức vào tháng 4-2017, hai kỹ thuật mới là tranh in lụa và khắc gỗ phá bản được phổ biến đến các thành viên. Áp dụng kỹ thuật này, nhiều tác phẩm ra đời với chủ đề gần gũi như: Sinh tồn (in lụa của Huỳnh Thị Thắng), Những ô cửa hạnh phúc và Giao mùa (in lụa của Phan Thanh Hải), Tĩnh vật (in lụa của Đặng Công Tuấn), Thiếu nữ (khắc gỗ phá bản của Lê Huy Hạnh), Tương tác (khắc gỗ phá bản của Trường Chinh), Tĩnh vật đêm trăng (Phan Tiến Dũng)...
Một trong những cái khó của CLB là không có phương tiện, thiết bị in ấn chuyên ngành đồ họa. Vì thế, các họa sĩ thường “mượn” xưởng chế tác của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng hay xưởng của họa sĩ Trường Chinh - một thành viên CLB. Mọi kinh phí tổ chức tập huấn, trại sáng tác cũng đều do các thành viên CLB đóng góp.
“Các thành viên của CLB hầu hết làm giảng viên, cán bộ Nhà nước và những nghề liên quan đến mỹ thuật để kiếm sống, còn tranh đồ họa chưa mang lại nguồn thu nhập nào. Vì đam mê, anh em họa sĩ sẵn sàng chịu cực, bằng mọi cách biến CLB trở thành sân chơi hấp dẫn, đầy cảm hứng”, họa sĩ Thanh Hải chia sẻ.
Nói thêm về hoạt động của CLB thời gian tới, họa sĩ Lê Huy Hạnh cho biết, CLB là nơi để những người cùng chung sở thích gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tranh đồ họa. Thông qua trại sáng tác, các họa sĩ mong muốn tạo nên những tác phẩm tranh đồ họa sống động, gần gũi với cuộc sống, từng bước giới thiệu tranh đồ họa đến công chúng Đà Nẵng; đặc biệt, truyền cảm hứng cho họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật.
“Thời gian qua, các trại sáng tác đều có sự tham gia của các sinh viên Khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng. Các em trực tiếp trải nghiệm mài, khắc, làm ra tác phẩm... Từ sân chơi này, kỳ vọng sẽ có những sinh viên say mê, có tâm huyết, hoài bão thật sự với tranh đồ họa và mạnh dạn chọn con đường này thay vì rẽ hướng khác sau khi ra trường. Có như vậy mới mong tranh đồ họa tìm được chỗ đứng”, họa sĩ Lê Huy Hạnh cho biết.
Bài và ảnh: HÀ THU