Quyến rũ vũ điệu tango

.

Hai năm trở lại đây, phong trào tập luyện vũ điệu tango Argentina tại thành phố Đà Nẵng được nhen nhóm và hứa hẹn trở thành sân chơi hấp dẫn cho người dân và du khách.

Một buổi học tango tại Trung tâm Văn hóa thành phố.
Một buổi học tango tại Trung tâm Văn hóa thành phố.

Mỗi tối thứ bảy hằng tuần, quán cà-phê MC tại 160 Núi Thành (quận Hải Châu) lại trở thành điểm hẹn của những người yêu thích vũ điệu tango Argentina. Họ hầu hết là thành viên CLB Tango Đà Nẵng, thành lập năm 2016, thuộc Hội Nghệ sĩ múa thành phố và thi thoảng có sự tham gia của khách du lịch.

Anh Phạm Phúc (CLB Tango Đà Nẵng) chia sẻ, tại Hà Nội và Sài Gòn, phong trào luyện tập tango Argentina sôi nổi từ 10 năm trước. Tại Đà Nẵng, trước đây cũng có vài nhóm nhảy tango Argentina và ngày càng đông người ham gia các CLB tango. Bản thân anh Phúc biết một số loại hình khiêu vũ, nhưng một năm trở lại đây anh đã bị “mê hoặc” trước điệu nhảy quyến rũ này. Đầu tiên, anh tìm hiểu qua mạng, xem các clip rồi đến CLB tham gia với những người cùng sở thích. CLB thường tổ chức các khóa học nhỏ (workshop) để cung cấp kiến thức nhất định cũng như kỹ thuật về tango cho các thành viên.

“Người ta ví tango là điệu nhảy salon, nghĩa là sang trọng, quyến rũ. Vì thế, nếu không nắm bắt được kỹ thuật sẽ khó lòng nhảy đẹp được. Khi đã bước vào điệu nhảy chỉ có âm nhạc và bước nhảy. Một điều đặc biệt quan trọng của tango là sự đồng cảm, hòa quyện giữa hai người bạn nhảy. Với tango, tôi luôn cảm thấy mình đầy năng lượng”, anh Phúc nói.

Theo tìm hiểu, ngoài CLB Tango Đà Nẵng, trước đây từng có CLB về tango khác là New Avo Tango (thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố) hoạt động khá mạnh nhưng vì một số lý do khách quan đã tan rã. Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố cho biết, so với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phong trào khiêu vũ tại Đà Nẵng vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Trường hợp chủ nhiệm CLB New Avo Tango là người đến từ TP. Hồ Chí Minh, sau khi anh này quay lại thành phố làm việc thì CLB không thể duy trì. Hay trường hợp anh Trần Lai, một người dạy tango ở TP. Hồ Chí Minh, chị Dương Thanh Tú và các giáo viên đến từ nước ngoài như Emiliano Fernandez... đến Đà Nẵng tổ chức những buổi workshop về tango với mức học phí tượng trưng, chủ yếu để chia sẻ đam mê là chính. Do đó, họ tiết kiệm kinh phí bằng cách tranh thủ kết hợp trong những chuyến du lịch, công tác tại Đà Nẵng để dạy tango.

“Tôi còn nhớ cách đây một năm, tại bãi biển Phạm Văn Đồng, sự kiện “Vũ điệu Tango Argentina trên bãi biển” đã lôi cuốn đông đảo người dân và du khách tham gia. Sự thu hút của bộ môn này thôi thúc tôi tìm hiểu tango và đến nay đủ điều kiện để thúc đẩy phong trào tango trên địa bàn thành phố”, ông Ngọc phấn khởi.

Theo kế hoạch, Trung tâm Văn hóa thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động và các buổi workshop thu hút những người yêu thích bộ môn khiêu vũ và tiến đến thành lập CLB tango Argentina thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố; đồng thời, đề xuất tổ chức sự kiện, lễ hội festival tango bãi biển.

Ra đời cách đây trên 100 năm, ngày nay Tango đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong xã hội Argentina, Uruguay và được phổ biến tới nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, New Zealand, Australia, Anh, Đức và Mexico... Năm 2009, điệu tango được UNESCO tuyên bố là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ông Ngọc cho rằng, một thành phố hướng đến lễ hội, sự kiện như Đà Nẵng không thể thiếu các loại hình khiêu vũ được ưa chuộng trên thế giới như tango. Đó không chỉ là cách làm mới hoạt động văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn mà còn góp thêm sân chơi cho khách du lịch.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.