Đà Nẵng hiện có 9 hội chuyên ngành nghệ thuật, 2 nhà hát, 1 trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật; song việc tìm kiếm lớp kế cận về văn hóa, nghệ thuật cho thành phố vẫn luôn là bài toán khó.
Để theo đuổi nghệ thuật, đòi hỏi nghệ sĩ, diễn viên không ngừng tìm tòi sáng tạo, trau dồi chuyên môn. TRONG ẢNH: Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017. |
1. Trong những lần trò chuyện gần đây, NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố băn khoăn khi bàn về nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật. Ông dẫn chứng, đa phần hội viên của các hội chuyên ngành và những người có bề dày kiến thức về văn hóa, nghệ thuật đã lớn tuổi như nhạc sĩ Trương Đình Quang, nhạc sĩ Trần Hồng, nghệ sĩ Nguyễn Trường Hoàng, Cao Đình Liên, Trần Đình Sanh...
Bản thân NSND Lê Huân cũng cố gắng hoàn thành những tác phẩm múa mà ông ấp ủ. “Tôi lo về lớp người kế cận khi thế hệ trước ngày càng già đi. Một số nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghệ thuật nhưng quá ít thời gian đầu tư cho những tác phẩm có chiều sâu vì phải sáng tác theo đơn đặt hàng. Có số thì bận rộn mưu sinh, số khác làm công tác Nhà nước...”, NSND Lê Huân nói.
Nhiều nghệ sĩ cũng đau đáu chuyện Đà Nẵng có 2 nhà hát nhưng vẫn còn “khoảng trống” về nguồn nhân lực chất lượng về nghệ thuật. Cụ thể, các vở tuồng phục dựng, dàn dựng thời gian gần đây của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải nhờ đạo diễn, biên kịch từ địa phương khác.
Trong khi đó, dù có riêng đoàn ca múa nhạc nhưng trong những chương trình nghệ thuật lớn của thành phố, Nhà hát Trưng Vương chỉ đóng vai trò phối hợp. Tại chương trình nghệ thuật Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017, hầu hết các tiết mục do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đóng vai trò chủ đạo. Một lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng chia sẻ từng đặt câu hỏi với lãnh đạo Nhà hát Trưng Vương về vấn đề này nhưng nhận được câu trả lời là “chưa đủ sức đảm nhận các chương trình lớn”!?
2. Để lấp khoảng trống về nguồn nhân lực văn hóa-nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”.
Theo đề án, những học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật thuộc các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, múa, xiếc và ngành sáng tác văn học có tài năng, năng khiếu vượt trội sẽ được tham gia đào tạo tập trung ở trong nước (trong đó có thời gian thực tập ngắn hạn ở nước ngoài) và tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành đào tạo trong nước và nước ngoài; tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài.
Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ năm 2017 với trình độ đại học (khoảng 185 chỉ tiêu ở các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, sáng tác văn học), cao đẳng (20 chỉ tiêu ở lĩnh vực múa), trung cấp (khoảng 150 chỉ tiêu ở các lĩnh vực âm nhạc, múa, xiếc) căn cứ tình hình cụ thể về chất lượng nguồn tuyển sinh hằng năm, tiêu chuẩn và năng lực của cơ sở đào tạo.
Từ năm 2021 trở đi, phấn đấu hằng năm lựa chọn được ít nhất 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc các lĩnh vực để cử đi đào tạo trình độ cao hơn ở trong nước và nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của đề án.
Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, việc thực hiện đề án không dễ. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật thành phố Nguyễn Bá Sỹ cho biết, sẽ khó cho học sinh, sinh viên nhà trường trong việc tham gia đào tạo tập trung theo đề án bởi chỉ tiêu dành cho hệ cao đẳng, trung cấp thấp.
Trong khi đó, công tác tuyển sinh của nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn. Dù nhiều năm qua, nhà trường đẩy mạnh công tác giới thiệu các chuyên ngành đào tạo; cải tiến chương trình; thành lập tổ tuyển sinh, đi đến các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên để quảng báo nhưng theo ông Nguyễn Bá Sỹ:
“Có một sự thật lâu nay là phụ huynh không mặn mà hướng học sinh đến ngành văn hóa, nghệ thuật ngay cả khi được Nhà nước giảm tới 70% học phí cùng nhiều ưu đãi. Hơn nữa, đầu vào buộc phải có năng khiếu nên công tác tuyển sinh quá khó”.
3. Đầu vào đã khó, đầu ra cũng lắm gian nan. Hiện học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật thành phố có khoảng 220 em, từ năm thứ nhất đến năm ba, nhưng thực tế khi ra trường, một số em không theo ngành học bởi nhiều lý do.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho hay, Nhà hát hiện cộng tác với 6 diễn viên múa, 1 nhạc công tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và 2 diễn viên hợp đồng dài hạn nhưng hiện đã chấm dứt hợp đồng vì mức lương quá thấp so với thu nhập từ biểu diễn sự kiện.
Để có nguồn nhân lực phù hợp, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải tổ chức thi và tuyển chọn 20 em đi học tại Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội theo Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng giai đoạn 2016-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán về nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, các nhà quản lý văn hóa cần có những hoạch định, kế hoạch dài hơi và đột phá mới mong tìm ra đáp án. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phát hiện tài năng, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thuộc gia đình có nôi truyền thống nghệ thuật.
Bài và ảnh: HÀ THU