Thu phí bản quyền tác giả âm nhạc: Phản ứng vì chưa hiểu luật?

.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền âm nhạc khi sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh là đúng Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cà-phê… trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn chưa đồng tình, vì thế nảy sinh những phản ứng về vấn đề này trong thời gian qua.

Tác quyền âm nhạc hiện đang áp dụng cho loại hình biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Trong ảnh: Ca sĩ biểu diễn tại phòng trà trên địa bàn quận Hải Châu.
Tác quyền âm nhạc hiện đang áp dụng cho loại hình biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Trong ảnh: Ca sĩ biểu diễn tại phòng trà trên địa bàn quận Hải Châu.

VCPMC làm đúng luật

Đầu tháng 5-2017, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố nhận công văn từ VCPMC Chi nhánh phía Nam thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Nhưng nhiều chủ khách sạn, spa, cà-phê… bày tỏ ý kiến không đồng tình về điều này.

Đại diện spa Y. trên đường Nguyễn Hoàng (quận Hải Châu) cho rằng họ có khi mở nhạc, có khi không mà thường là nhạc không lời và dùng đĩa có tem, tức là đã trả tiền bản quyền khi mua đĩa, nên không phải trả thêm tiền tác quyền.

Tương tự, bà B.T, chủ một khách sạn 2 sao (đường 3 Tháng 2, quận Hải Châu), cho rằng với khoản thu “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng ti-vi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm đối với khách sạn là VCPMC đang lạm dụng quyền hơn là áp dụng Luật SHTT. “Bởi vì khách sạn sử dụng dịch vụ truyền hình cáp và đều thanh toán thuê bao hằng tháng. Tôi là người đi mua dịch vụ của nhà đài thì tôi chỉ chịu trách nhiệm trả tiền cho nhà đài và tôi có quyền xem những chương trình trên ấy. Tôi biết họ (VCPMC-PV) cũng thu tác quyền âm nhạc đối với các đài truyền hình. Nếu họ tiếp tục thu của khách sạn, phải chăng là lạm thu?”, bà B.T nói.

Dù chưa nhận được công văn, nhưng bà N. (chủ quán cà-phê trên đường Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu) tỏ ra lo lắng khi biết trong bảng nhuận bút gửi kèm các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thì kinh doanh nhà hàng, cà-phê (từ 1-30 chỗ ngồi) phải đóng từ 2,5 triệu đồng/năm. “Quán tôi kinh doanh nhỏ, có khi khách yêu cầu mới mở nhạc. Đóng không biết bao nhiêu loại thuế, phí mà chừ thêm trả tiền vụ này nữa thì khó khăn quá”, bà N. nói.

Trước những phản ứng này, VCPMC cho rằng họ đã làm đúng luật và các cơ sở kinh doanh phản ứng vì chưa hiểu luật. Luật sư Lê Thị Mai Hương, Trưởng ban Pháp chế, VCPMC Chi nhánh phía Nam giải thích rằng, các đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình chỉ trả tiền tác quyền cho quyền sao chép tác phẩm; các đài phát thanh, truyền hình, chủ sở hữu website… chỉ trả tiền tác quyền cho quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng để sự dụng tác phẩm âm nhạc trong việc phát sóng, kinh doanh.

Vì thế, căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, chỉ ngoại trừ việc sử dụng tại gia đình, còn khi âm nhạc được sử dụng nơi công cộng cũng như tại cơ sở kinh doanh thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình, kênh truyền hình… thì phát sinh một loại quyền mới, đó là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Theo khoản 3 Điều 20 Luật SHTT, tổ chức/cá nhân sử dụng quyền tác giả phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Cũng theo Luật sư Lê Thị Mai Hương, sử dụng nhạc nước ngoài, nhạc thính phòng của tác giả nước ngoài vẫn phải trả tiền tác quyền âm nhạc. Bởi hiện nay, VCPMC không chỉ là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam (với gần 4.000 tác giả Việt Nam đã ủy thác) mà còn là thành viên của Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời (CISAC). Thông qua việc ký kết các thỏa thuận song phương, VCPMC có trách nhiệm bảo vệ, quản lý việc khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc của trên 4 triệu tác giả nước ngoài ở 123 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cần có thiện chí phối hợp

Một số ý kiến khác cho rằng việc tiến hành thu tiền tác quyền âm nhạc là đúng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong bối cảnh công tác bảo vệ quyền tác giả vẫn còn nhiều khó khăn bởi ý thức, kiến thức về Luật SHTT chưa được phổ biến rộng rãi thì VCPMC lại áp những điều luật “cứng nhắc” và thiếu thiện chí nên vấp nhiều phản ứng là chuyện đương nhiên.

Đơn cử là việc VCPMC không công bố rộng rãi danh sách các tác phẩm âm nhạc và các tác giả, nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả cho VCPMC để các cơ sở dịch vụ biết mà thực thi quyền tác giả, hoặc không vi phạm quyền tác giả mà lại yêu cầu “khẩn trương liên hệ”. Hơn nữa, thay vì truyền thông, vận động, tuyên truyền, VCPMC tống đạt công văn yêu cầu, ra lệnh.

Khi trao đổi vấn đề này với VCPMC, câu trả lời nhận được là: nghĩa vụ xin phép và trả tiền tác quyền thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh có sử dụng âm nhạc (theo khoản 3 Điều 20 Luật SHTT). Do đó, khi các cơ sở kinh doanh có nhu cầu sử dụng tác phẩm âm nhạc sẽ phải gửi danh sách tác phẩm - tác giả cần sử dụng để VCPMC hỗ trợ đối soát đúng tên tác phẩm, tác giả và cấp phép sử dụng quyền tác giả của các tác phẩm đó.

“Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền tác quyền, chúng tôi phát hiện có sử dụng tác phẩm âm nhạc của tác giả ủy quyền cho VCPMC thì VCPMC sẽ đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý theo luật. Các tổ chức, cá nhân không đồng tình có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết”, một đại diện VCPMC tại Đà Nẵng nói.

Để tìm tiếng nói chung, tại cuộc họp giữa các bên liên quan về vấn đề này diễn ra tại Hà Nội ngày 25-5, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng: “Đây là tài sản dân sự, do vậy chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự xây dựng biểu mức tiền bản quyền và thỏa thuận với bên khai thác sử dụng. VCPMC cần đưa ra biểu giá để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu phải có đồng thuận cả hai bên”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.