Trùng tu di tích

.

Với 46 di tích, trong đó có 9 di tích cấp thành phố, 6 di tích đang được xếp vào danh mục kiểm kê, quận Liên Chiểu là một trong những địa phương có mật độ di tích khá dày đặc. Mặc dù công tác trùng tu, bảo tồn luôn được quan tâm nhưng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và thiên tai khắc nghiệt đã làm nhiều di tích xuống cấp.

Miếu Hàm Trung đang trong giai đoạn trùng tu.
Miếu Hàm Trung đang trong giai đoạn trùng tu.

Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2015-2022” được hoàn thành từ đầu năm 2016 và được UBND quận Liên Chiểu ký Quyết định phê duyệt số 1996/QĐ-UBND. Từ đó, các vấn đề liên quan được giải quyết căn cứ đề án này, với lộ trình bảo đảm tính cấp thiết theo từng di tích.

Năm 2017, ở quận Liên Chiểu có 3 di tích cấp thành phố được đầu tư, trùng tu là lăng Ông Kim Liên, đình làng Thanh Vinh và miếu Hàm Trung. Hiện nay, lăng Ông Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc) được đầu tư 1,2 tỷ đồng, đã hoàn thành trùng tu; miếu Hàm Trung (phường Hòa Hiệp Nam) được đầu tư 3,6 tỷ đồng, khởi công ngày 20-4 và đình làng Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc) được đầu tư 1,6 tỷ đồng, đang chờ ngày khởi công. Bên cạnh đó, 2 di tích lịch sử cấp quận dự kiến được đầu tư tôn tạo là Bia chiến thắng cầu Thủy Tú với kinh phí khoảng 120 triệu đồng và Bia chiến tích, chiến thắng kho xăng Liên Chiểu khoảng 100 triệu đồng.

“Để có hơn 6 tỷ đồng đầu tư trùng tu 3 di tích cấp thành phố trong năm nay, chúng tôi đã kiến nghị thành phố đầu tư từ 2 năm trước. Việc trùng tu di tích là công việc khó khăn, tỉ mỉ, cần thời gian, chứ không thể nói là làm được ngay. Hiện nay, căn cứ đề án đã phê duyệt, chúng tôi kiến nghị theo từng di tích cụ thể để đề nghị cấp kinh phí trùng tu, bảo tồn di tích. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn, bảo dưỡng và trùng tu di tích cũng gặp không ít khó khăn”, ông Hiếu nói.

Trong những năm tới, di tích cấp thành phố dự kiến sẽ được đầu tư trùng tu là đình làng Xuân Dương ở phường Hòa Hiệp Nam. Mặt khác, các di tích cấp quận hiện bị xuống cấp nhiều như Miếu Bà Nam Ô đang được chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Phòng Văn hóa - Thông tin quận đề xuất kinh phí để sửa chữa, trùng tu lại nguyên trạng. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách quận, phường và thực hiện xã hội hóa, tiếp tục đầu tư sửa chữa, trùng tu các di tích theo lộ trình ưu tiên như: đình Kim Liên, nhà thờ tộc Mai, miếu Tam Vị, miếu Hòa Vân, lăng mộ Phan Công Thiên, đình Khánh Sơn...

Theo ông Trương Công Hiếu, trên địa bàn quận hiện có một số di tích có niên đại hàng trăm năm; tuy nhiên, do không bảo đảm hồ sơ để xét duyệt nên không thể xếp hạng. Nguyên nhân bởi chiến tranh qua các thời kỳ, bom mìn tàn phá, người dân không thể gom đủ tư liệu, thư tịch hay các sắc phong để lưu giữ. Đây là khó khăn lớn do không xác định được niên đại, không bảo đảm xếp hạng di tích. Cùng với đó, nguồn kinh phí địa phương không đủ để trùng tu, bảo tồn, dẫn tới nguy cơ di tích nhanh chóng xuống cấp, thậm chí bị mai một, tàn lụi là điều khó tránh khỏi nên rất cần giải pháp từ các cơ quan chức năng.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.