Gần đây, Trung tâm Quản lý di sản thành phố phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật và thám sát một số di tích văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kết quả khảo cổ đã cung cấp thêm những cứ liệu khoa học quan trọng trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Đà Nẵng.
Đoàn khai quật miệt mài tìm kiếm tại di tích di chỉ đình làng Khuê Bắc. |
17 năm với một di chỉ khảo cổ
Tháng 5 vừa qua, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng phối hợp khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) với diện tích 50m2. Đoàn khai quật gồm các chuyên gia khảo cổ, cán bộ Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng.
Ròng rã một tháng liền, dưới cái nắng gắt của miền Trung, đoàn khai quật miệt mài đào, đo, vẽ, chụp ảnh, nghiên cứu chỉnh lý hiện vật. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ tuyệt đối. Chỉ riêng việc đào tìm kiếm hiện vật đã mất khá nhiều thời gian. Một chuyên gia khảo cổ trong đoàn cho biết, phải cẩn thận lật từng milimet đất để không làm vỡ hay sót bất kỳ hiện vật nào. Nếu không là người trong ngành, có khi gặp hiện vật cứ tưởng... hòn đá, hòn đất lại bỏ qua.
Chia sẻ thêm, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, đây không phải là lần đầu tiên khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc. Trước đó, di chỉ vườn đình Khuê Bắc được cố GS Trần Quốc Vượng và các giảng viên Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát hiện năm 2000. Năm 2001, trường này tiến hành khai quật lần thứ nhất và phát hiện được các di tích (mộ nồi) và di vật (công cụ đá, đồ gốm). Năm 2015, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật lần thứ hai với diện tích 100m2.
“Lần thứ hai khai quật nhưng lo lắng vẫn hiện hữu như lần đầu bởi chúng tôi không biết công việc tìm kiếm có diễn ra như dự tính hay không và có tìm được hiện vật hay không. Cuối cùng, những vất vả của anh em được đền đáp bằng nhiều hiện vật được tìm thấy. Vậy là 17 năm ròng với 3 lần khai quật, chúng tôi đã tìm thấy lời giải đáp cho di tích di chỉ vườn đình Khuê Bắc”, ông Tuấn vui mừng nói.
Lời giải đáp mà ông Hồ Tấn Tuấn nói đó chính là các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu có thể khẳng định di chỉ vườn đình Khuê Bắc không chỉ là nơi cư trú, mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh như nghiên cứu năm 2001 mà còn là nơi chế tác công cụ và đồ trang sức.
Là người trực tiếp khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc vào năm 2015 và 2017, TS Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học) nhận định, so sánh kết quả của 2 lần khai quật trước (năm 2001 và 2015) và qua kết quả khai quật năm 2017, tính chất của di chỉ khá thống nhất, việc đánh giá giá trị của di chỉ dần dần khách quan và đầy đủ hơn. Địa tầng của di chỉ qua 3 lần khai quật đều thể hiện sự thống nhất, đó là sự ổn định của lớp văn hóa cư dân Tiền Sa Huỳnh rất nguyên vẹn, đầy đủ. Niên đại của di chỉ từ khoảng 3.000 năm đến 3.500 năm trước.
“Theo tư liệu khảo cổ học hiện biết, cho đến nay, trên dải đất miền Trung chỉ có 2 di chỉ khảo cổ học mà tầng văn hóa còn nguyên vẹn, chứa các dấu tích văn hóa của cư dân Tiền Sa Huỳnh, đó là di chỉ Bàu Trám 1 (gò Bà Tham, xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và di chỉ vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng)”, TS Phạm Văn Triệu cho biết.
Cần quan tâm đầu tư khảo cổ
Theo các nhà nghiên cứu, Đà Nẵng và Quảng Nam có bề dày lịch sử văn hóa quan trọng trên dải đất miền Trung với các di tích phong phú gắn liền với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều di tích văn hóa đã bị hoang phế, đổ nát, nhiều di tích vùi sâu trong lòng đất.
Thời gian qua, Trung tâm Quản lý di sản thành phố tổ chức một số đợt khai quật tại Quá Giáng, di chỉ đình làng Khuê Bắc, thám sát phế tích Chăm Xuân Dương, khảo sát phế tích Chăm Gò Giảng, khảo sát phế tích Chăm ở Nghĩa trủng Hòa Vang... nhưng con số đó vẫn còn khá ít so với địa điểm còn lưu dấu tích của các nền văn hóa từng hiện diện trên vùng đất Đà Nẵng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu không kịp thời đầu tư công tác khảo cổ thì các di tích văn hóa nằm sâu trong lòng đất sẽ bị quá trình đô thị hóa đè lên. Do đó, cần có kế hoạch khai quật với quy mô lớn và tiến hành nghiên cứu để tìm ra các bằng chứng mới góp phần nhận diện giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Đà Nẵng nói riêng và dải đất miền Trung nói chung trong chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết, 20 năm qua, tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, nếu không nhận thức đầy đủ và hành động quyết liệt thì những dấu tích văn hóa cổ xưa và cả không gian văn hóa cũng sẽ mất đi. Vì thế, các nhà nghiên cứu khảo cổ, Trung tâm Quản lý di sản thành phố sớm có báo cáo về di tích văn hóa trên địa bàn thành phố cần khai quật cũng như bảo vệ để đề nghị cơ quan cấp trên xem xét.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ