Có lần ở sân bay, lúc chuyển hành lý qua máy soi, tôi đã thề với cô gái phụ trách an ninh là trong chiếc cặp xách của tôi hoàn toàn không có dụng cụ gây thương tích. Vậy mà khi mở ra, sờ sờ trước mắt chiếc kéo nhỏ, cùng vài chiếc dao lam nằm trong góc sâu nhất, tận đáy cặp xách. Cô gái mỉm cười: “Hết cãi chưa?”. Đúng là hết đường chối cãi. Lúc này tôi mới nhớ ra mình thường xuyên để “đồ nghề” trong chiếc cặp dành cho những chuyến đi đường dài.
Tác giả ở trường Đại Học Benedic, Minesota. |
Đồ nghề không nhiều, chỉ một số giấy vẽ, hộp màu, bút chì, viên tẩy, kéo cắt giấy và dao lam để gọt bút. Ngoài các vật dụng ấy ra còn có thêm một chiếc máy tính xách tay, một máy sao chụp (scan). Khi có việc phải xa nhà, tất cả các thứ lỉnh kỉnh để sẵn trong chiếc cặp này giúp tôi vẽ tranh, viết báo, nhất là các chuyên mục không thể vắng mặt.
Và hôm nay tôi lại chuẩn bị lên đường và nếu phải làm một vài “giang hồ ký sự” hay tranh vui sau chuyến đi xa này, tôi sẽ chọn tên Cốp-một bút danh tếu táo của tôi.
Bạn đọc thỉnh thoảng cũng biết đến tên Cốp qua các biếm họa, tranh vui, nay họa sĩ Cốp kể chuyện đi Hoa Kỳ. Hoa Kỳ, xứ sở lạ hoắc, xa lắc xa lơ đối với họa sĩ Cốp. Anh chàng chỉ mang máng biết đến nơi ấy qua các câu chuyện kể hoặc chỉ thấy vờ vịt, qua loa trên ti-vi. Hôm nay, họa sĩ Cốp mới chính thức chuẩn bị lên đường. Có người bao vé máy bay, ăn ở… tội chi không đi. Mi-nề-sô-tà, nói tiếng Anh theo lối của nhiều bà con Việt kiều, phát âm từ nào cũng… thêm dấu huyền: Mi-nề-sô-tà, ai nghe cũng có thể hiểu là Minessota, tên cái tiểu bang họa sĩ Cốp sẽ đến. Nghe nói chỗ đó phía cực bắc nước Mỹ, giáp giới Canada. Bốn mùa lạnh teo. Thôi thì bao nhiêu áo ấm, áo lạnh, họa sĩ Cốp mang theo tất tật. Không quên cái áo bành tô rộng thùng thình và cái “phula” len đan, bự chảng, dài loẵng ngoẵng. Phải tự lo, bên nớ không quen ai. Phòng thân khi đi xa, vẫn hơn. Chỉ ngặt một nỗi, hai cái vali “du lịch đường dài” lâu nay bám bụi để quên góc nhà, phải căng cứng vì áo quần chống giá lạnh đủ loại, nặng ì ạch. Hai cái vali to đùng bắt đầu hành hạ họa sĩ Cốp suốt cả chặng đường đi.
Đi theo vé máy bay trung chuyển. Có thể hiểu một cách nôm na là máy bay “tàu chợ”. Không bay một lèo mà bay nối từng chặng một. Bên phía người mời, té ra cũng biết tiết kiệm, mua vé “giá rẻ”cho Cốp. Đà Nẵng đi TP. Hồ Chí Minh, rồi bay qua Hồng Kông. Từ Hồng Kông qua San Francisco, bắc California. Tưởng là tới Mỹ rồi thôi, ai dè, còn hai chặng bay, gần 10 tiếng đồng hồ nữa mới tới Mi-nề-sô-tà. Không hề gì. “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi…”, họa sĩ Cốp nhiều lần tự nhủ lòng mình như thế. Họa sĩ Cốp không bị xét hỏi chi nhiều, ung dung tiếp tục cuộc hành trình kế tiếp - 2 tiếng chờ và 5 tiếng bay từ San-fờ-răng-síc-cồ đi Đen-vờ (Denver), miền trung nước Mỹ.
Từ đây đi Fa-gồ (Fargo), đây là chuyến bay chót của chặng đường dài. Chịu mệt thêm vài tiếng đồng hồ nữa, tới nơi thì tha hồ ngủ bù. Trước giờ lên máy bay, thay vì phải quác miệng ra mà ngáp một cái cho bớt đi cơn buồn ngủ, họa sĩ Cốp cố vẽ một nụ cười “giao lưu” với nhân viên check-in - soát vé. Nụ cười chỉ vẽ được lưng chừng thì đứng phắt trên làn da chuyển nhanh sang màu tái nhợt. Khuôn mặt của họa sĩ Cốp thất thần, hốt hoảng. Hai tay anh chàng cuống quýt lục soạn từ túi áo đến túi quần rồi xáo tung cả hai chiếc va ly tìm kiếm: tấm vé máy bay cùng với sổ hộ chiếu đã biến mất.
Đúng giờ, máy bay cất cánh, bỏ mặc Cốp ở lại phi trường trong tình trạng hớt hải và tuyệt vọng. Đánh mất hộ chiếu là điều tối kỵ đối với bất kỳ một du khách nào trên trái đất. Cốp đang rơi vào tình huống tồi tệ đó. Kéo xềnh xệch hai cái valy đi ngược trở lại, đi vòng rồi đi xuôi, gặp bất kỳ nhân viên nào ở phi trường, Cốp cũng khẩn thiết trình bày, tường thuật trường hợp mất hộ chiếu của mình để yêu cầu họ tìm giúp. Giọng Cốp khàn đi vì mệt, khát và cồn cào gan ruột. Có người hiểu Cốp muốn gì. Có người đứng trố mắt nhìn như đang gặp người ngoài hành tinh. Vào lúc này, tiếng mẹ đẻ Cốp nói không trôi hết câu huống gì tiếng Mỹ. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ, hy vọng tìm lại được hộ chiếu của mình giữa phi trường xa lạ mất dần, mất dần...
Có thể ở lại trong phi trường này một vài tuần, có thể mất cả tháng để lo thủ tục khai báo và… trở về. Nhớ lại bộ phim Terminal- Hành lang phi trường, do Tom Hanks thủ vai khách du lịch bị kẹt ở hành lang phi trường. Đi tiếp không được, trở về không xong. Hằng ngày, bưng vác hành lý cho hành khách đến và đi để kiếm vài xu lẻ mua bánh mì qua bữa. Bánh mì xăng-uých ở đây không rẻ tí nào. Cốp mua một gói bắp cỡ vừa, hai chai nước khoáng với giá 10 đôla Mỹ. Nhai rốp ráp được vài miếng, nuốt không nổi bắp rang trộn bơ quá nhiều, ớn họng. Cốp ném cả gói bắp vào sọt rác, uống nước thay… cơm. Cốp ngồi lì trên ghế, cố gắng chợp mắt một vài giây cho tỉnh người. Tính ra đã hơn 48 tiếng chập chờn, thiếu ngủ.
Vậy là hình như đã qua hai ba đêm kẹt ở phi trường Đen-vờ. Trên chiếc ghế đặt bên mép tường hành lang phi trường, Cốp ngồi thẳng người lên, mở lớn đôi mắt mất ngủ, nhìn quanh. Tất cả vẫn thế, vẫn như hôm qua, hành khách đông nghịt chung quanh, trên tay ai cũng có hộ chiếu và vé lên máy bay. Cốp lẩm bẩm tính ngày giờ và giật mình đánh thót: thứ tư! Hạn chót Cốp phải làm bài và tranh minh họa cho Báo Đà Nẵng. Cốp vội vã xốc áo, ôm hai vali rời khỏi ghế. Mãi lúc sau Cốp mới tìm ra hàng căng-tin ở đây, Cốp chọn bàn ở góc khuất, cắm điện để sử dụng máy vi tính xách tay và scan. Gọi chiếc bánh xăng-uých và ly bia tươi với giá hơi đau: 20 đôla! Ôi chao, số tiền có thể mua được chiếc sơ mi hộp ở quê nhà.
Đúng như Cốp nghĩ, trong thư điện tử của mình đã có bản thảo và một số yêu cầu khác do tòa soạn Báo Đà Nẵng gửi đến đúng vào thứ ba, hằng tuần như thường lệ. Cốp vội vã thu gọn những ly tách trên bàn lấy chỗ trống để bày đồ nghề của mình lên. Giấy bút vẽ, màu sơn nước, chì, tẩy… rồi cắm cúi “tác nghiệp”, trông khá “tự nhiên” như… ở nhà. Lâu nay vẫn thế, phòng bị cho công việc, Cốp có ba cổng Internet, một ở xưởng vẽ, một ở nhà riêng và một 3G thường trực trong chiếc cặp. Cốp cắm cúi vẽ vẽ, xóa xóa cứ mặc cho một số hành khách khác trong căng-tin chăm chăm nhìn mình… Có lẽ hơn 5 tiếng đồng hồ Cốp mới xong việc và gửi tất cả tranh ảnh về tòa soạn Báo Đà Nẵng. Cốp tựa người vào ghế và ngủ lịm đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, khi ánh nắng ban mai yếu ớt của xứ tuyết đập khẽ trên mặt kính các ô cửa hành lang phi trường cũng là lúc Cốp choàng tỉnh vì tiếng vỗ vào vai mình. Người phụ nữ trong bộ đồng phục nhân viên phi trường đang khom người trước mặt cùng với nụ cười: “Xin lỗi, ông đang tìm hộ chiếu, phải không?”. Cốp đứng phắt dậy, quên giữ gìn ý tứ, ôm choàng lấy vai người phụ nữ, hét lên mừng rỡ: “Đúng rồi, đúng là tôi đang tìm hộ chiếu của tôi, cái sổ màu xanh, bà đang nắm trong tay đó…”.
Cuốn sổ màu xanh được trả về và đã đưa khổ chủ đi đến nơi về đến chốn. Chừ Cốp đã về đến quê nhà, thoát khỏi trận bão tuyết dữ dội đang hoành hành ở Bắc Mỹ. Hớp ngụm rượu nồng ngày Tết Mồng Năm, vừa tiếp tục câu chuyện “đường xa vạn dặm” cho cả nhà nghe, thỉnh hoảng, họa sĩ Cốp chắc lưỡi, xuýt xoa: “Ôi chao, cái vùng Mi-nề-sô-tà bên Huê Kỳ sao mà mênh mông và quạnh hiu đến thế, không thấy tưng bừng, láng lẫy như trong phim”.
HOÀNG ĐẶNG