Viết từ sự thôi thúc

.

Với giới văn học, nghệ thuật Đà Nẵng, có lẽ không ai không biết đến cây bút viết tản văn có nghề: Nguyễn Nhã Tiên. Qua ngòi bút của ông, độc giả của nhiều tờ báo có uy tín trong nước và thành phố Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc với giọng văn chương tự sự có bản sắc riêng. Dù không phải là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng những bài tùy bút, bút ký của ông luôn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên tâm sự về nghề báo, nghiệp văn.
Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên tâm sự về nghề báo, nghiệp văn.

Được đào tạo viết văn từ khi còn học ở Đà Lạt, ông bén duyên nghề viết lách bằng những bài báo tường. Tập thơ đầu tiên Dọc Thơ xuất bản vào những năm 1972-1973 đánh dấu một bước ngoặt cuộc đời để ông đến gần hơn với nghiệp văn chương. Rồi sau đó, như một cách tự nhiên, trong những năm tháng của tuổi trẻ, ông bắt đầu viết bài cho báo Hoa học trò, báo Sinh viên và dần dần khẳng định tên tuổi của mình trên các trang báo bằng thể loại tùy bút, bút ký.

“Sau khi ra tập thơ đầu tiên, tôi mới bắt đầu “múa máy” với nghề. Rồi cũng có một thời gian khó khăn, tôi bỏ đi dạy học, nhưng với niềm đam mê của mình, đến năm 1976, tôi đã quay trở lại viết văn, làm báo. Hồi đó, tôi không có khái niệm về nghề văn, nghề báo mà xuất phát từ làm đặc san, như tự chủ trương làm đặc san Gió mới. Lúc đầu cũng làm như người trồng hoa, chỉ làm chơi cho vui, nhưng kể từ sau năm 1985, tôi mới sống được với nghề. Máu nghệ sĩ có ở trong con người, rồi từ từ thời gian sẽ nuôi dưỡng mình”, ông Nhã Tiên tâm sự.

Vì xuất phát từ nhà văn, nhà thơ, nên những bài viết của ông trên báo phần lớn là theo cảm xúc tự nhiên, mang tính ngẫu hứng, dễ chạm đến trái tim bạn đọc. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi bắt gặp một người tốt, một tấm gương sáng trong xã hội mà mình không viết thì cảm thấy day dứt và có lỗi. Bởi đó là trách nhiệm của người cầm bút.

“Viết văn bổ trợ sự giàu có về ngôn từ, thông qua một phóng sự, nếu viết thô quá thì bạn đọc mau chán. Người viết văn sẽ có thuận lợi hơn khi viết báo là làm cho cách tiếp cận đại chúng dễ dàng hơn nhờ vốn ngôn từ phong phú”, Nguyễn Nhã Tiên chia sẻ khi nói về những người vừa làm báo vừa viết văn.

Bìa tác phẩm Đi tìm huyền thoại cho đất.
Bìa tác phẩm Đi tìm huyền thoại cho đất.

Đối với ông, viết báo là một niềm say mê nhưng cũng là một công việc để mưu sinh. Đặc biệt, vào dịp Tết, các báo thường đặt bài cho ông rất nhiều và ông xem đây là những bài viết bồi đắp thêm giá trị tinh thần trong những ngày xuân. “Có cả năm làm báo thì cả năm không ra thơ.

Đôi khi sợ chất thi sĩ trong mình bị chết. Nhưng trong một đêm thao thức, tự nhiên tôi làm được bài thơ có tựa Khúc quê. Đúng lúc các báo Tết đã lên trang và mang đi in ấn hết. May mắn sao, tôi có một người bạn làm biên tập ở một tờ tạp chí văn nghệ đã đưa bài thơ vào báo Tết của địa phương. Bài thơ này may mắn theo tờ báo đi qua tận bên Pháp và đến tay thiền sư Nhất Hạnh rồi được ngâm thơ trong đêm giao thừa cùng với các tác phẩm khác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Phạm Duy… Vài ba năm sau, tôi mới tình cờ gặp bài ngâm của mình trên mạng. Cho nên, một tác phẩm hay nếu có cơ may hợp duyên thì tự nó sẽ lan đi xa. Trong một bài báo tùy bút nghiêng về thể loại văn học cũng vậy, cái đẹp phải chạm được cái vô thức cộng đồng ở trong tâm hồn mỗi người thì mới được mọi người yêu thích”, ông Nguyễn Nhã Tiên tâm sự.

Khi được hỏi “có người cho rằng, cũng đều là tác phẩm nhưng tác phẩm văn học sống mãi với thời gian, còn tác phẩm báo chí chỉ mang tính tức thời về thông tin nên sẽ nhanh bị quên lãng?”, ông Nguyễn Nhã Tiên cho rằng, cái đẹp vẫn luôn luôn ở mãi trong dân gian, chứ không thể cho rằng bài báo nhất thời. “Văn là nghiệp, báo như một cái nghề. Thành thử, viết văn là một sự thôi thúc nội tại, còn làm báo thì cái cảnh giới bên ngoài tác động vào. Ví dụ đi qua một con đường thấy có sự việc bất thường xảy ra thì lấy tin, chụp ảnh viết bài phản ánh sự thật. Báo chí cung cấp thông tin hiện thực từ thế giới bên ngoài”, ông giải thích.

Theo Nguyễn Nhã Tiên, viết báo hạnh phúc nhất là được nói lên tiếng nói của mình và chia sẻ lòng mình với nhiều người. Làm báo như cái mệnh, đó cũng là một thiên chức như người mẹ sinh con, chất liệu sữa tốt thì con mới phát triển tốt về mặt tinh thần lẫn thể chất. Viết báo sẽ bổ sung vốn sống cho người viết văn nhờ sự trải nghiệm thực tế. Người nghệ sĩ có tố chất khác nhà báo ở chỗ là họ có sự lãng mạn, chểnh mảng, nhưng nghề báo cần có sự trật tự thì mới phân công bài vở. Làm văn, tính chất nghệ sĩ có trong tác phẩm; còn làm báo phải cần cù, chịu khó, chịu hy sinh và có thể chấp nhận một cái giá phải trả. “Người viết văn có thể núp ý đồ dưới nhân vật, nhưng người làm báo phải viết người thật, việc thật, có ảnh minh họa. Giá trị văn chương là nghệ thuật, còn giá trị báo chí là thông tin. Do đó, thông điệp phải trung thực từ trái tim, có sự hồi âm từ bạn đọc. Nhưng cũng có một yếu tố lớn hơn sự trung thực, người làm báo giống như người lính ra trận, phải chấp nhận trả giá cả sinh mệnh của mình về một đề tài nhân văn cao cả, vì yêu nghề”, ông Nguyễn Nhã Tiên chia sẻ.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.