Cũng như bao vị cao niên khác, những lão ngư làng Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) từng gắn cuộc đời với biển cả nay lại dành những năm tháng cuối đời chắt chiu, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của làng. Mong mỏi duy nhất của các cụ là con cháu biết được gốc gác lỡ một mai dân làng không còn bám biển mưu sinh...
Các vị cao niên làng Tân Thái là những người giữ hồn văn hóa làng biển. |
Cụ Trần Văn Tân (92 tuổi), lúc rảnh lại ra đình làng cùng mấy vị cao niên thắp hương, quét dọn và bàn chuyện tổ chức lễ cúng hằng năm. Ông là một trong số ít người trong làng hồi nhỏ được đi học, bì bõm vài chữ Nho, nhưng được một thời gian ngắn thì theo cha ông bám biển. Về sau, ông lại tự mày mò học lại chỉ mong đọc, hiểu các câu đối, tài liệu cha ông để lại. Chỉ hai câu đối trong đình làng Tân Thái, ông cho biết khi cất đình làng, người xưa đã chép câu đối này từ đình làng bằng tranh ngoài bãi biển, đại ý ghi các bậc tiền hiền trên con đường từ Bắc tiến vào Nam đã dừng tại đây khai canh đất đai và quy dân lập ấp, an cư lạc nghiệp, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá.
Chiếu theo tài liệu cha ông để lại, điều này khá phù hợp. Năm Nhâm Tuất 1742, sơ khai ngôi đình dựng lên bằng thanh tre gỗ lấy từ núi Sơn Trà, đình nằm gần biển (trên mảnh đất nay là trụ sở UBND phường Mân Thái) và có tên là đình Tân An (cùng với tên của làng).
Đến năm 1903, đổi thành đình Tân Thái. Năm Ất Mão 1915 có một trận bão lớn, các xã lân cận và làng Tân Thái nhiều nhà cửa bị sập đổ, ngôi đình cũng trôi theo sóng nước. Năm 1916, dân làng tu sửa lại nhà cửa để cư trú làm ăn. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Kế tức xã Kiểu, quyền lý trưởng làng Tân Thái họp bàn với chư vị tộc phái và dân làng nhất trí xây dựng lại ngôi đình bằng gạch ngói và đem vô đất chùa để xa biển, tránh bão to hư hại. Từ năm Bính Thìn 1916, ngôi đình được xây dựng bằng tường vôi mái ngói theo quy cách cổ kính ngày xưa.
Cụ Huỳnh Văn Tro (sinh năm 1934) cho biết thêm, bao đời nay, người dân trong làng theo nghiệp biển của cha ông. Bản thân ông cũng gắn cuộc đời với biển cả, với chiếc thuyền thúng, vài tấm lưới và một chiếc đèn gió, cứ vậy mà sống.
Ngày trước, đình làng còn lưu giữ khá nhiều sắc phong và châu bộ, tuy nhiên do đây là nơi tập kết các lực lượng tiến công tiêu diệt đồn Tân Thái của thực dân Pháp nên tất cả được đem gửi nhờ dưới hầm bí mật đình Phước Trường (gần cây me Phước Trường, nay thuộc phường Phước Mỹ) nhưng rồi tất cả đều bị thiêu rụi bởi giặc đốt phá. Vì thế, nghi lễ truyền thống của làng cứ theo kiểu nối truyền từng đời; dựa trên nội quy hương lệ, xuân kỳ thu tế, lễ hội cầu an tại đình làng mà các bậc tiền hiền, hậu hiền đặt ra.
“Dân làng cứ chiếu theo truyền thống, nghi thức cổ truyền, theo những ý nghĩ, cách làm của các vị tiền bối. Có thể nói, nghi thức của các vị tiền bối xưa khá bài bản. Trước khi diễn ra lễ hội cầu an tại đình làng, đoàn người gồm các vị cao niên khăn áo chỉnh tề và đội chiêng, đội rước kiệu tiến hành đi nghinh các lăng sở trong làng... Tôi đang tổng hợp tất cả tài liệu về văn tế, nghi thức lễ hội truyền thống từ cha ông để lại, mong mỏi duy nhất là sau này thế hệ chúng tôi mất đi thì con cháu vẫn giữ nguyên truyền thống này”, ông Tro chia sẻ.
Chính sự tận tâm của các vị cao niên mà con cháu trong làng cũng noi gương. Các lễ hội tại đình đến nay đều do dân làng cùng nhau đứng ra tổ chức và được đông đảo bà con tham gia. Đồng thời, tại làng Tân Thái, cũng có lớp người kế cận công việc của làng như anh Huỳnh Văn Giám (con trai ông Huỳnh Văn Tro), anh Huỳnh Văn Mười (con trai ông chủ bái Huỳnh Văn Mua đã mất cách đây vài năm)...
“Cha tôi ngày xưa là Vạn trưởng Vạn mành, làm chủ bái trong các nghi lễ truyền thống của làng. Tôi nghĩ rằng, không dễ giữ được phong tục truyền thống, giá trị văn hóa làng biển nếu như không có những con người chắt chiu, giữ gìn. Những việc làm của cha, của các chú cứ thế tạo nên trong thế hệ chúng tôi một tình cảm lớn dần về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tôi sẽ cố hết sức cùng các vị cao niên giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của làng biển cho thế hệ sau”, anh Mười chia sẻ.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ