Tôi thậm thò thậm thụt mấy lần trước quyết định mua cho con tấm vé đi xem xiếc được quảng cáo rôm rả suốt tuần nay. Trẻ con đứa nào chẳng thích những trò biến hóa. Dưới đôi mắt trong veo của chúng, cái mũ, chiếc khăn, cây dù của ảo thuật gia chẳng khác nào một thế giới vi diệu, nơi con người có thể muốn gì được nấy. Những con thú ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn của nghệ sĩ cũng trở nên thật duyên dáng, đáng yêu như đám bạn thân của chúng ở trường. Thế nên, nghe rao xiếc, mấy đứa nhỏ nhao nhao. Mình cũng nhao nhao vì muốn con được thưởng thức loại hình nghệ thuật rất thú vị này.
Nhưng không thể cứ thích là mua liền tay vì tiền vé cũng là điều cần suy nghĩ. Để được ngồi vị trí dễ quan sát, mỗi tấm vé có giá vài trăm ngàn đồng. Mua cho đứa lớn không lẽ đứa nhỏ ở nhà, để mấy đứa nhỏ tự dắt nhau vào thì lại không yên tâm, thế là cả nhà... cùng tiến rạp xiếc. Ngốn hết triệu bạc!
Những lần trước, hiếm hoi mới có đoàn xiếc về diễn, nhưng rạp lại được dựng tạm bợ ở khu đất trống đường Cách mạng Tháng Tám. Rạp hình tròn, đúng kiểu coi xiếc, trông có vẻ chuyên nghiệp nhưng vào ngồi mới thấy bất an. Chỗ ngồi dựng tạm nên lỏng lẻo, khoảng cách từ sân khấu đến ghế ngồi cũng không có lớp bảo vệ, trong khi mấy “bạn” voi, “bạn” gấu to đùng cứ lừng lững uể oải bước ra sau mấy ngày trời diễn đi diễn lại dưới cái không khí chật chội, ngột ngạt, nóng bức. Ngồi coi mà nơm nớp, chẳng biết đường nào lần. Thi thoảng nhìn xuống ngay dưới chỗ ngồi của mình, khán giả còn được “khuyến mãi” một mớ rác ngổn ngang với bao nhiêu là vỏ hộp sữa, bánh, kẹo của những suất trước bỏ lại. Thế nên tự nhủ lòng, cho con coi một lần kiểu này rồi thôi.
Lần này đoàn xiếc rao “diễn trong nhà, có máy lạnh”, nghe cũng hấp dẫn. Dù rạp xiếc phải có sân khấu tròn để khán giả được nhìn thấy tất cả chuyển động của nghệ sĩ, nhưng thôi, có cái chỗ kiên cố coi và còn mát lạnh nữa cũng được rồi. “Bí” cái như đã nói vẫn là chuyện tiền. Mấy bé nhà khó khăn chắc bắp khỏi được coi.
Ngại tốn kém thì tìm những chỗ diễn miễn phí, nhưng cái này đúng là tìm đỏ con mắt. Hằng tuần, sân khấu Công viên Biển Đông có 2 đêm trình diễn “nghệ thuật thiếu nhi”. Nói vậy nhưng phần “nghệ thuật thiếu nhi” chỉ khoảng 2 tiết mục đầu do nhóm nhảy trẻ em biểu diễn. Mỗi lần nhạc “giựt” nổi lên, già, trẻ, gái, trai xúm lại coi rất đông vì tò mò trước những động tác uốn éo nửa vời người lớn của mấy bé gái tầm dưới 10 tuổi. Coi vài lần nhưng chưa khi nào tôi thấy các bé nhảy đúng kiểu thiếu nhi và trên những nền nhạc càng chẳng liên quan đến thiếu nhi. Không ít phụ huynh, trong đó có tôi thầm nghĩ, nếu con thích nhảy nhót, mình cũng sẽ không cho con đi biểu diễn kiểu này. Trông con chẳng ra con nít!
Ít lần sân khấu này có diễn trò ảo thuật. Đạo cụ ảo thuật rất bình thường, nếu không muốn nói là nghèo nàn với những trò quen thuộc như tung chim bồ câu từ khăn tay, một cây dù hóa ra 3 cây dù, cuộn dây ngậm trong miệng kéo hoài không hết... Vậy mà đủ khiến các bé cười nghiêng ngả và hóng hớt tới ngày lại được xem. Có điều sự hóng hớt của trẻ con biến thành nỗi đợi chờ mòn mỏi bởi tiết mục ảo thuật và những tiết mục đúng chất trẻ con không mấy khi được biểu diễn ở sân khấu này; trong khi đó, những sân khấu miễn phí khác tại Đà Nẵng như Âm nhạc đường phố, Lễ hội đường phố càng không. Ở nhà mở ti-vi thấy quá nhiều thứ “độc hại” đối với trẻ, những chương trình vốn dành riêng cho thiếu nhi cũng nhuốm màu “già trước tuổi”. Ra đường thì chẳng có “món” nghệ thuật nào dành cho thiếu nhi. Trẻ con biết xem gì, nghe gì phù hợp nếu không có tiền?
TOÀN VÂN