Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa phê duyệt chủ trương xây dựng “Đề án công bố các tác phẩm và công trình nghệ thuật đã được sáng tác tại các nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học-nghệ thuật (VHNT) tổ chức trong 5 năm (2011-2016)”, nhằm quảng bá đến công chúng, tôn vinh những tác giả - tác phẩm VHNT có giá trị.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đi thực tế để sáng tác. |
Đây là việc làm thiết thực, đồng thời là dịp để nhìn lại, đánh giá lại tính hiệu quả của các trại sáng tác VHNT thời gian qua và hướng đi cho thời gian tới.
1.
Thống kê của Bộ VH-TT&DL cho thấy, cả nước hiện có 6 nhà sáng tác dành cho các văn nghệ sĩ, gồm: Đại Lải, Tam Đảo, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Con số đó nhiều hay ít? Trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo là không dễ. Người lạc quan thì cho rằng, không nhiều, bởi cả nước chỉ có 6 nơi cho các văn nghệ sĩ đến sáng tác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, 6 cũng đang là nhiều, bởi lâu nay, tính hiệu quả của các trại sáng tác không cao. Những tác phẩm xuất sắc thường không ra đời từ các trại sáng tác này.
Thực tế cho thấy, những năm qua, hàng ngàn trại sáng tác VHNT được tổ chức. Cũng theo đó, nhiều tỷ đồng đã bỏ ra để đầu tư cho hoạt động này. Chỉ có điều, tác phẩm có xứng tầm với sự đầu tư ấy hay không mới là câu chuyện đáng bàn.
Cũng theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, tính riêng trong năm 2016 đã có tới 66 trại sáng tác VHNT được tổ chức. Tổng số tác giả tham gia trại sáng tác là 995 người với 14.052 ngày dự trại và số tác phẩm được “báo cáo” là gần 6.000. Trong đó, có 2.727 tác phẩm thơ; 614 tiểu thuyết, ký, truyện ngắn; 410 tác phẩm sân khấu, phóng sự kịch bản múa, văn nghệ dân gian; 548 tác phẩm mỹ thuật; 999 tác phẩm nhiếp ảnh; 395 tác phẩm âm nhạc; 27 tác phẩm nghiên cứu phân tích; 17 tác phẩm kiến trúc. Dự kiến trong năm nay, khi nhà sáng tác Đà Nẵng được khánh thành và đi vào hoạt động, sẽ có 74 trại sáng tác được tổ chức với sự tham gia của từ 1.000 - 1.200 tác giả.
Không dừng lại ở những trại sáng tác theo “chiều rộng”, một nguồn tin khác cho biết, sắp tới sẽ có những trại sáng tác dành cho các tác giả được lựa chọn để đầu tư “chiều sâu” với thời gian dự trại không phải 15 ngày mà có thể kéo dài hơn nữa.
Như vậy, nhìn vào con số “đầu vào” có thể thấy được sự cần thiết của những trại sáng tác. Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, 15 ngày ở trại là 15 ngày nghệ sĩ được tạm quên đi những lo toan gia đình, công việc, cuộc sống để tập trung toàn bộ sinh lực, thai nghén những đứa con tinh thần. Đây cũng là nơi các tác giả được nghe những góp ý chân thành từ bạn nghề...
Vẫn biết, hoạt động sáng tác của nghệ sĩ là sự thôi thúc từ nội tại bản thân nhưng nếu được đầu tư, tạo môi trường thì các ý tưởng càng được chăm bón để khai hoa, nở nhụy. Nhiều người “kêu ca” trại vắng bóng những gương mặt trẻ, trên thực tế không hẳn vậy. Rất nhiều trại sáng tác phim hoạt hình của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, các trại sáng tác của VHNT dân tộc miền núi, những trại nằm trong các cuộc thi truyện ngắn, thơ hằng năm của các báo, tạp chí, nhà xuất bản có nhiều, thậm chí khá nhiều tác giả còn chưa được biết đến nhiều trên văn đàn. Những chuyến đi ngắn ngủi như thế, nhiều tác giả trẻ cho biết đó như là bước ngoặt trong đời sáng tác của họ để gặp gỡ, giao lưu, mở rộng tầm mắt và quyết định dấn thân vào con đường đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào này.
2.
Một số ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh đời sống VHNT nước nhà đang thiếu vắng những tác phẩm có giá trị, việc đầu tư, mở trại là hướng đi đúng đắn. Song, không phải việc “đi trại” là có hiệu quả và không phải lúc nào trại cũng phát huy được tối đa tác dụng. Có những tác giả đăng ký đi trại sáng tác như một chuyến du lịch, “đổi gió”, hoặc thậm chí có người đi trại nhưng tranh thủ đi gặp gỡ, viết báo. Lại có người lấy đề tài đã đăng ký ở trại này vài năm trước rồi “gia công” nộp cho trại khác. NSƯT Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT cũng thẳng thắn nêu ý kiến, một số văn nghệ sĩ không nhằm mục đích đi sáng tác mà kết hợp đi tham quan, nghỉ mát. Điều này có nguyên nhân bởi một số Hội chưa làm tốt công tác lựa chọn hội viên dự trại, chưa coi trọng việc nghiệm thu sản phẩm ban đầu, công tác tập hợp, đánh giá chất lượng tác phẩm tiêu biểu qua từng đợt sáng tác còn thiếu, nên chưa tạo được sức lan tỏa rộng lớn cho mỗi lần dự trại sáng tác.
Bên cạnh đó là vấn đề “đầu ra” của các tác phẩm được sáng tác ở các trại. Với thể loại văn học thì dễ dàng hơn, nếu không đủ tầm in và tranh giải ở cuộc thi này, tác giả hoàn toàn có thể gửi đăng ở báo hoặc cuộc thi khác hay gửi nhà xuất bản khác. Khi đó, những con số thống kê khó kiểm soát được. Còn với những tác phẩm thuộc thể loại kịch bản sân khấu, nghệ thuật biểu diễn thì lại khó tìm đầu ra.
Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT (Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Điểm mặt, gọi tên những tác phẩm ít ỏi có cơ hội được dàn dựng, xuất bản từ các trại sáng tác thời gian qua mới thấy con đường để những tác phẩm có chất lượng sau nghiệm thu ra mắt công chúng là quá gian nan”. Một tác giả khác cũng chia sẻ: “Chỉ một số rất ít tác giả có quan hệ hay đặt hàng sáng tác từ trước tìm được “đầu ra” ngay cho tác phẩm, còn lại phần lớn sau khi bàn giao thì không biết số phận của những “đứa con tinh thần” đi về đâu”. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều tác giả coi trại sáng tác như nơi an dưỡng, cứ “đi trại” đã, còn có viết được tác phẩm ra hình thù không, được đăng tải, dàn dựng, đến với công chúng hay không lại là việc khác.
Nhìn vào thực thế thì thấy, số lượng và chất lượng tác phẩm thu được từ các trại không tương đồng nhau. Như vậy là lãng phí, thiếu hiệu quả, trong khi nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động ăn, ở, đi lại, công tác phí... cho một trại sáng tác kéo dài 15 ngày với trung bình 15 nghệ sĩ/trại là không hề nhỏ. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết là phải đổi mới, chọn lọc và đầu tư chiều sâu thay vì dàn trải cho hoạt động của các trại sáng tác.
Bài và ảnh: MAI HOÀNG