Nhiều người tỏ ra ngao ngán khi các trò chơi truyền hình (gameshow) và các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em lại biến trẻ thành những chương trình “người lớn thu nhỏ”. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp cho vấn đề này vẫn là bài toán khó...
Cần có những bài hát gắn liền với đời sống hiện tại, phản ánh đúng tuổi thơ của các cháu hôm nay mới mong thu hút thiếu nhi. |
Trẻ em hát gì, nghe gì?
Gần đây, nhiều bậc phụ huynh than phiền mỗi khi bật ti-vi lên gặp gameshow là họ tắt hoặc chuyển kênh vì không muốn con cái bị ảnh hưởng. “Một đứa trẻ 6-7 tuổi “quằn quại” trên sân khấu với Thị Mầu, với những bài hát người lớn, về tình yêu, ở một mặt nào đó lại tạo sự phản cảm. Con tôi học lớp 7 nhưng không có bài nhạc Việt phù hợp độ tuổi, mà chỉ ngâm nga Sơn Tùng M-TP, hay Soobin Hoàng Sơn và nhất là thuộc làu nhạc Hàn, thậm chí nghe bài hát còn biết được ca sĩ Hàn nào đang thể hiện”, một phụ huynh tâm sự.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận các gameshow Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Tìm kiếm tài năng nhí... ghi điểm cộng ở chỗ tạo nên sân chơi, phát hiện tài năng sớm và giúp các cháu thiếu nhi dạn dĩ hơn. Tuy nhiên, điểm trừ lại khá lớn. Thí sinh nhỏ tuổi giống như “người lớn thu nhỏ” đang trình diễn bài hát người lớn với phong cách người lớn, thể hiện tinh thần ganh đua đầy yếu tố thắng-thua. Điều này trước hết phản nghệ thuật (khuyến khích bắt chước những bản sao càng giống càng được khích lệ, được vỗ tay!), sau đó phản giáo dục bởi các cháu đang ở độ tuổi hồn nhiên lại trở thành mục tiêu của báo chí và mạng xã hội, thích thì họ tung hô, không thích thì chê bai không thương xót. Áp lực thi thố căng thẳng, nhiều tuần, nhiều tháng lên sóng liên tục thì các cháu không thể thi trên tinh thần vui chơi, ca hát, sống trong âm nhạc một cách hồn nhiên mà được nhào nặn thành những “chiến binh” đấu đá. Nguy hiểm hơn nữa là các cháu ảo tưởng vào sự nổi tiếng sớm...
Nhạc sĩ Phan Văn Minh, tác giả bài hát thiếu nhi nổi tiếng “Cả nhà thương nhau” cũng không đồng tình khi các gameshow thiếu nhi gần đây “quá tải” ca khúc người lớn. “Nhìn các em thể hiện Mái đình làng biển, Ngọn lửa cao nguyên... tôi thấy rất tội. Phải chăng người lớn (các huấn luyện viên, người hướng dẫn...) đang bắt trẻ em phải làm đúng ý nguyện của mình?”, nhạc sĩ Phan Văn Minh bày tỏ.
Lỗi có tại trẻ em?
“Chắc chắn không. Chúng ta không thể bắt thiếu nhi phải hát mãi những bài Con cò be bé, Hạt gạo làng ta... Chúng ta không thể đóng khung tuổi thơ của các cháu vào tuổi thơ của mình ngày xưa. Cho các cháu hát những bài thiếu nhi xưa chưa đủ, phải có những bài hát gắn liền với đời sống hiện tại, phản ánh đúng tuổi thơ của các cháu hôm nay”, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ.
Cũng theo nhạc sĩ Minh Châu, nền âm nhạc đang “bỏ quên” ca khúc dành cho thiếu nhi. Nhạc thiếu nhi đã chán mà còn thiếu nên các cháu chỉ còn cách lựa chọn những bài hát có ca từ, âm điệu sôi động dành cho độ tuổi lớn hơn. Trong khi đó, sách giáo khoa thay đổi liên tục nhưng vẫn không hấp dẫn bởi các cháu không được dạy về cảm thụ âm nhạc, cách nghe một bài nhạc không lời... Cần giải đáp một số vấn đề để tìm lời giải cho bài toán thiếu tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Vì đâu con trẻ không được hưởng môi trường âm nhạc lành mạnh? Vì ai mà chương trình âm nhạc của con trẻ lại thiếu chất trẻ con? Vì sao nhạc không lời cho trẻ con là con số không? Sáng tác mới cho thiếu nhi tại sao vẫn thiếu và các em không thích? Con cháu chúng ta đang hát gì? nghe gì?
Theo nhạc sĩ Trương Đình Quang, trước hết phải giải quyết khâu sáng tác nhạc thiếu nhi. Cần nghiên cứu yếu tố xã hội học để đưa vào sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi, chú ý các thông số tâm lý của trẻ, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, môi trường và hình thức giáo dục phải được hòa quyện... Theo quan sát của nhạc sĩ này, đồng dao là thể loại đáp ứng các tiêu chí trên nên được đón nhận vì các em vừa hát, múa, học và chơi...
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng cần cơ chế từ phía nhà quản lý để khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác và đưa những bài hát thiếu nhi đi vào đời sống. Vị nhạc sĩ này dẫn chứng, một năm trở lại đây, Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư kinh phí nên thực hiện nhiều chương trình âm nhạc cho thiếu nhi; mời các nhạc sĩ lão thành viết nhạc cho thiếu nhi; phối hợp với đài truyền hình phát những chương trình ca nhạc thiếu nhi... Nhờ đó, phong trào âm nhạc dành cho thiếu nhi có dấu hiệu khởi sắc.
Trong khi đó, nhạc sĩ Phan Văn Minh đề nghị khôi phục các cuộc âm nhạc dành cho thiếu nhi, nhất là Tiếng hát hoa phượng đỏ. Bởi những năm về trước, ở hầu hết các địa phương, mỗi năm đến mùa thi Tiếng hát hoa phượng đỏ thì không khí âm nhạc trong thiếu nhi đều rộn ràng. Cũng từ cuộc thi này, nhiều tác phẩm đi vào lòng thiếu nhi cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, phong trào này gần như bị xóa sổ.
“Trẻ em cần được nhận sự chăm sóc, thương yêu của người lớn, trong đó, đặc biệt chú trọng lĩnh vực âm nhạc, bởi âm nhạc bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng những yêu thương. Các cơ quan hữu trách hãy nghiên cứu và ban hành quy chế sáng tác và biểu diễn các ca khúc thiếu nhi; trong đó quy định cụ thể tiết tấu, nội dung ca từ, nâng cao nhuận bút cho sáng tác ca khúc thiếu nhi...”, nhạc sĩ Phan Văn Minh nói. Nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng, đã đến lúc âm nhạc dành cho thiếu nhi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng chứ không hẳn dừng lại ở các buổi tọa đàm, hội thảo...
Bài và ảnh: NGỌC HÀ