Ngày 22-7, trong phiên bế mạc Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35 (The 35th ITI World Congress) tại Segovia (Tây Ban Nha), đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng được trao cờ đăng cai Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất (The 1st ITI World Performing Arts Fertival).
Đoàn đại biểu Đà Nẵng cùng các đại biểu quốc tế tại Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35. Ảnh: P.V |
Từ lâu, tôi muốn sang Tây Ban Nha, còn gọi là Y Pha Nho- quê hương của Miguel de Cervantes Saavedra, tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha - một lần cho biết. Người Đà Nẵng mình vốn có nhiều duyên nợ với Tây Ban Nha. Năm 1858, sau khi liên quân với Pháp tấn công vào Thành Điện Hải nói riêng và phòng tuyến Đà Nẵng nói chung, nhiều người Tây Ban Nha đã vĩnh viễn nằm lại ở Đồi Hài cốt/Ossuaire chân núi Sơn Trà, và con cháu những người dân Đà Nẵng từng hứng chịu nền ngoại giao pháo hạm năm xưa vẫn hằng hương khói cho các sĩ quan binh lính Tây Ban Nha nhất khứ bất phục phản (thơ Thôi Hiệu) trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa này. Đà Nẵng thời hội nhập, Tây Ban Nha cũng có dấu ấn sâu sắc trước hết với các đội bóng đá lừng danh như Real Madrid, FC Barcelona... hoặc các nhà hàng ẩm thực Tây Ban Nha như Merkat trên đường Lê Lợi... Năm 2012, Đà Nẵng còn triển khai dự án lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông do Tây Ban Nha tài trợ.
Tháng 7 năm nay, tôi được cử đi dự Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35 tổ chức tại thành phố cổ Segovia, cách thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) chừng một giờ xe chạy. Đoàn do Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Văn Hùng dẫn đầu rời Đà Nẵng đi Hà Nội vào chiều 15-7.
Sáng 17-7, phiên khai mạc đại hội diễn ra trọng thể, nhưng trang trí cực kỳ đơn giản, không có lẵng hoa chúc mừng, các diễn văn hết sức ngắn gọn - thậm chí có diễn giả chỉ phát biểu mấy câu mang tính xã giao - và kết thúc bằng việc trao cờ ITI cho Thị trưởng Segovia. Tuy nhiên, theo tôi, điều cần rút kinh nghiệm là nước chủ nhà có quá nhiều bài phát biểu chào mừng trong khi chỉ cần một bài của bà Thị trưởng là đủ.
Trước khi chờ dự chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội khai mạc lúc 23 giờ cùng ngày (ở Tây Ban Nha sau 22 giờ người ta mới bắt đầu ăn tối), tôi cùng đoàn tranh thủ đi thăm Nhà thờ Segovia và xem một vở kịch Tây Ban Nha tại nơi từng là nhà tù nữ. Từ ngày 18 đến 20-7, đoàn rời Segovia đi tham quan Barcelona bằng tàu lửa. Chiều 20-7, cũng sau gần 3 giờ tàu chạy, đoàn về lại Segovia, nghỉ tại Khách sạn EuroStars Plaza Acueducto nằm gần Acueduc - tháp dẫn nước bằng đá được xây dựng từ thời hoàng kim của đế chế La Mã và vào năm 1985 - cùng với cả thành phố cổ Segovia- được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ngày 21-7, đoàn dự phiên họp của các đại biểu vùng châu Á - Thái Bình Dương bàn về nhu cầu và khả năng kết nối trên lĩnh vực sân khấu giữa các nước trong vùng. Tại phiên họp này, bản thân tôi thu hoạch được rất nhiều ý tưởng mới, chẳng hạn có ý tưởng cho rằng sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên có một số vở diễn là sáng tạo nghệ thuật chung của các tác giả kịch bản không phải của một nước mà là của một số nước châu Á, phản ánh thông điệp nghệ thuật của giới sân khấu châu Á về những vấn đề mà người châu Á cùng quan tâm, và đương nhiên những vở diễn này có thể được thể hiện qua tài năng diễn xuất của các diễn viên không phải của một nước mà là của một số nước trong vùng. Buổi chiều, Trưởng đoàn Huỳnh Văn Hùng cùng tôi chủ trì cuộc tọa đàm với các đại biểu vùng châu Á - Thái Bình Dương. Tôi được phân công thuyết trình về Đà Nẵng và văn hóa Đà Nẵng cũng như về những khả năng Đà Nẵng có thể đáp ứng nếu được chọn làm nơi đăng cai Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất.
Sáng 22-7, tại phiên bế mạc đại hội, Chủ tịch Hiệp hội Sân khấu thế giới Mohammed Al-Afkham trao cờ đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất cho đoàn đại biểu Đà Nẵng. NSƯT, đạo diễn Huỳnh Văn Hùng và tôi cùng các thành viên của đoàn đã lên vị trí danh dự để nhận cờ trước sự chứng kiến của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch ITI Việt Nam và đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới kiêm Chủ tịch Diễn đàn Festival quốc tế. Sau nghi thức trao cờ, Đại hội đã xem một clip ngắn giới thiệu về thành phố bên sông Hàn.
Cũng trong phiên bế mạc, tôi rất tâm đắc với cách Đoàn Chủ tịch Đại hội chủ trì thảo luận về các kiến nghị của tập thể hoặc cá nhân đại biểu. Có khoảng 10 kiến nghị - đáng chú ý là kiến nghị về việc ITI cần quan tâm đến nghệ sĩ đồng tính, hay kiến nghị về việc xây dựng đề án của ITI về sân khấu dành riêng cho tù nhân - mà đại biểu đề xuất qua các phiên thảo luận, được lần lượt trình chiếu lên màn hình lớn, tóm tắt nội dung từng kiến nghị, nêu rõ tên tập thể hoặc cá nhân đại biểu đề xuất và giới thiệu ý kiến tiếp thu của Đoàn Chủ tịch, trên cơ sở ấy tập thể hoặc cá nhân đại biểu đề xuất và đại biểu dự Đại hội tiếp tục trao đổi, nếu đa số thống nhất thì ý kiến tiếp thu của Đoàn Chủ tịch sẽ trở thành nghị quyết của Đại hội. Tôi nghĩ, các hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hằng năm nên vận dụng cách làm này.
Được chọn giao nhiệm vụ đăng cai Liên hoan Sân khấu thế giới lần thứ nhất vào năm 2018, Đà Nẵng đương nhiên có nhiều thuận lợi - không thuận lợi làm sao được chọn, nhưng cũng sẽ đương đầu đối mặt với không ít khó khăn, trong đó theo tôi khó khăn lớn nhất và khó khắc phục nhất là vấn đề công chúng sân khấu Đà Nẵng.
Trước khi đến Tây Ban Nha, tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là nơi công diễn. Nhưng khi trực tiếp xem các vở diễn ở một số sân khấu khác nhau ở Segovia, tôi thấy Đà Nẵng với Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các sân khấu ngoài trời ở Công viên Biển Đông và ở bờ đông Cầu Rồng... cơ bản vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu về nơi công diễn của khoảng 20 đoàn nghệ thuật biểu diễn - do đem chuông đi đánh xứ người nên chắc cũng gọn nhẹ - đến từ các quốc gia thành viên ITI.
Và cũng chính khi trực tiếp xem các vở diễn ở một số sân khấu khác nhau của Segovia, tôi thấy công chúng sân khấu mới là vấn đề lớn nhất của Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới Đà Nẵng 2018. Làm sao để có một công chúng sân khấu ngồi thưởng thức các vở diễn với một đẳng cấp văn hóa cao - chịu ngồi từ đầu chí cuối, biết vỗ tay tán thưởng, không sử dụng điện thoại, không chụp ảnh... nhằm tạo điều kiện để các nghệ sĩ tập trung hóa thân vào vai diễn.
Trong khi chờ dự chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội thành công cũng vào lúc 23 giờ cùng ngày, đoàn đã mở tiệc chiêu đãi Ban Chấp hành ITI và các thành viên Diễn đàn Festival quốc tế, tôi được phân công thay mặt đoàn cảm ơn Ban Chấp hành ITI đã mời đoàn dự Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35, đặc biệt cảm ơn ITI chọn Đà Nẵng làm nơi đăng cai Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất.
Sáng 24-7, đoàn bay từ Madrid về Frankfurt để làm thủ tục xuất cảnh Liên minh Châu Âu và bay về Hà Nội.
Ngày 25-7, đoàn đến Hà Nội. Trong suốt chuyến bay với nhiều dằn xóc do ảnh hưởng của bão số 4 đang đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình, tôi cứ nghĩ về câu nói của Isabelle Huppert - một diễn viên sân khấu và điện ảnh Pháp - trong Thông điệp đọc tại Paris nhân Ngày Sân khấu thế giới năm 2017 qua bản dịch của Hà Tú Anh:
“Chúng ta không làm cho nghệ thuật sân khấu tồn tại, mà nhờ có nghệ thuật sân khấu mà chúng ta tồn tại. Nghệ thuật sân khấu có sức mạnh vô thường. Nó có thể làm mọi thứ hồi sinh, nó có thể ngăn chặn chiến tranh, xoa dịu những nỗi đau...”.
Người Đà Nẵng sẽ có dịp trải nghiệm sức mạnh này trong Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới Đà Nẵng 2018...
Theo kế hoạch ban đầu, Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35 do Manaus (Brazil) đăng cai tổ chức vào năm 2016 và Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 sẽ do Đà Nẵng - Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2018. Tuy nhiên, năm 2016, Manaus không tổ chức được nên đến năm 2017 này, Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35 mới được tổ chức tại Segovia (Tây Ban Nha). Vì vậy, sớm nhất là đến năm 2019 Đà Nẵng mới có thể đăng cai tổ chức Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36. Từ đó, ITI có sáng kiến tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất vào năm 2018 tại Đà Nẵng - đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hiệp hội Sân khấu thế giới, UNESCO - ITI (1948-2018) - thay vì để Đà Nẵng đăng cai tổ chức Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36. |
Đại hội Sân khấu thế giới (ITI World Congress) thực chất là hai trong một, cũng là một kiểu festival với nhiều tiết mục sân khấu đặc sắc do nghệ sĩ của các nước thành viên ITI trình diễn, nhưng cái chính vẫn là một đại hội thường kỳ với những nghị sự quen thuộc như đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua, bàn phương hướng hoạt động nhiệm kỳ đến, bầu ban chấp hành mới... Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới (ITI World Performing Arts Festival) chắc không có những nghị sự vừa nêu và do vậy, cũng với quỹ thời gian một tuần, sẽ tập trung vào việc trình diễn các tiết mục sân khấu và vào các hoạt động học thuật liên quan đến nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu - bao gồm cả múa, âm nhạc, mỹ thuật sân khấu... Không phải ngẫu nhiên mà liên hoan này mang tên Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn chứ không chỉ Liên hoan Sân khấu. |
BÙI VĂN TIẾNG