Kiệt tác trở về sau 31 năm lưu lạc

.

Bức tranh quý giá, một kiệt tác trong số tác phẩm do họa sĩ phái biểu hiện nghệ thuật trừu tượng Willem de Kooning thực hiện đã trở về Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona ở Tucson, Arizona, Hoa Kỳ vào ngày 7-8.

Họa sĩ Willem de Kooning (1904-1997)
Họa sĩ Willem de Kooning (1904-1997)

31 năm trước, vụ trộm bức tranh “Woman-Ochre” (Người phụ  nữ - Màu vàng đất) của Willem de Kooning xảy ra vào sáng 29-11-1985 tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Aiona. Vụ đánh cắp chỉ xảy ra trong vòng 15 phút. Vào thời điểm đó, bức tranh Willem de Kooning được đặt ở trung tâm trên bức tường giữa tác phẩm của Karel Appel và Hans Hofmann. Cuối năm, ấn bản của tờ Arizona Daily Star đăng tải bản phác thảo chân dung của hai nghi phạm. Bản vẽ miêu tả người phụ nữ trên bốn mươi, với mái tóc vàng dài phủ vai, mặc quần ngắn màu nâu, khăn choàng trên đầu và áo khoác đỏ, và một người đàn ông da màu ô-liu, mặc áo màu xanh. Cả hai đều mang kính dày.

Chữ ký của tác giả vẫn nguyên vẹn trên góc tranh.
Chữ ký của tác giả vẫn nguyên vẹn trên góc tranh.
Bức tranh “Woman-Ochre”  bị mất cắp, từ Mexico đã trở về Bảo tàng ngày 7-8-2017.
Bức tranh “Woman-Ochre” bị mất cắp, từ Mexico đã trở về Bảo tàng ngày 7-8-2017.

31 năm sau, tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona, các nhân viên đang chuẩn bị cho các cuộc triển lãm của mùa tiếp theo thì có chuông điện thoại reo. Một nhân viên tiếp tân trả lời. Người đàn ông ở đầu kia điện thoại nói “Tôi nghĩ rằng tôi đang có một bức tranh của các bạn”, “Tranh nào?”, “Tranh của họa sĩ The de Kooning”, “Làm ơn cứ giữ nó giúp”.

Người gọi điện là ông David Van Auker, chủ nhà hàng đồ cổ và buôn bán bất động sản, cùng với hai đồng nghiệp Buck Burns và Rick Johnson, sở hữu công ty Manzanita Ridge Furniture & Antiques, đã hoạt động khoảng 15 năm ở Silver City, New Mexico.

Nathan Saxton (trái) và Kristen Schmidt, chuyên viên của UAMA-Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona đặt bức  “Woman-Ochre” lên bàn để kiểm tra.
Nathan Saxton (trái) và Kristen Schmidt, chuyên viên của UAMA-Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona đặt bức “Woman-Ochre” lên bàn để kiểm tra.

Trong căn phòng đầy đủ các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia, Van Auker kể lại những ngày ông quyết định chọn ngôi nhà mang phong cách trang trại, khoảng 30 dặm bên ngoài thành phố Bạc. Ông, Burns và Johnson đã kiểm tra toàn bộ ngôi nhà và quyết định mua trọn gói, bao gồm đồ nội thất và các đồ mỹ nghệ châu Phi. Khi đi quanh xem xét nội thất căn nhà, Van Auker mở phòng ngủ chính và bất ngờ nhìn thấy bức tranh trừu tượng vẽ người  phụ nữ màu vàng đậm đặt ngay sau cánh cửa. Ông gọi Burns vào xem. Burns thích màu sắc và nét vẽ phong phú của bức tranh nhưng không thích cái khung giả vàng bao quanh bức tranh. Họ quyết định lấy bức tranh về nhà và treo bức tranh trong nhà khách của họ. Ngày hôm sau, một người đàn ông vừa mới chuyển đến khu nhà ở này đã nhìn thấy bức tranh và hỏi: “Đó có phải là tranh của de Kooning không?”. Thêm một vài người khách khác nữa cũng có những thắc mắc tương tự.

Burns lo lắng, ông lấy bức tranh và giấu nó trong phòng tắm của cửa hàng. Sau đó, Van Auker đã lên mạng và phát hiện ra bài báo năm 2015, viết  về bức tranh de Kooning đã bị đánh cắp từ viện Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona mà không tìm ra dấu vết. Đồng thời, một số hình ảnh trực tuyến phù hợp với bức tranh ông đang giữ trong cửa hàng. Van Auker lịm người đi và không biết phải làm gì. Cuối cùng, Van Auker cho rằng mình “hơi điên một tí” khi nhấc điện thoại gọi đến Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona và phóng viên tờ The Republic, người đã viết câu chuyện bức tranh bị đánh cắp năm 2015, và cùng lúc, Van Auker cũng gọi đến FBI.

Bản vẽ chân dung hai nghi phạm trộm tranh.
Bản vẽ chân dung hai nghi phạm trộm tranh.

Van Auker đã gửi ảnh bức tranh cho Olivia Miller, người quản lý bảo tàng và khi nhận được ảnh bức tranh, bà đã hết sức vui mừng. Ngày 4-8, nhà bảo trợ bảo tàng và một nhóm nhân viên bảo tàng đã lái xe 200 dặm từ Tucson đến Silver City. Không còn nghi ngờ gì nữa, tại đây, họ sung sướng khi tận mắt nhìn thấy lại bức “Woman-Ochre”. Ngày 7-8, bức tranh đã trở lại trường đại học. Hai ngày sau, các chuyên gia bảo tồn đại học cho biết việc xác thực sơ bộ cho thấy đó chính là bức tranh “Woman-Ochre” của Willem de Kooning.

 Các nhân viên của đại học Arizona đã ca ngợi ba anh hùng, ba chủ cửa hàng đồ cổ đã trả lại bức tranh trị giá 100 triệu USD sau khi bị đánh cắp từ 31 năm trước. Cả ba người: David, Buck và Rick đã được vinh dự hiện diện tại một cuộc họp báo ngày 21-8 tại Tucson. Meg Hagyard, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Arizona, và Olivia Miller rất xúc động vì bức tranh giá trị đã bị đánh cắp từ viện bảo tàng năm 1985 đã được trở về. Miller bày tỏ lòng biết ơn và ca ngợi hết lòng đối với David Van Auker và hai người chủ nhà hàng đồ cổ và bất động sản. Miller nói: “Chúng tôi rất biết ơn - David, Buck, với Rick”.
Tuy nhiên, David Van Auker không nhận sự đề cao đó. Anh ấy nói khiêm tốn: “Chúng tôi đã trả lại cái gì đó đã bị đánh cắp, và đó là điều mà mọi người nên làm”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo Artdaily News)

;
.
.
.
.
.