Ký ức chiến trường qua tranh

.

Hơn 20 bức tranh của các họa sĩ từng trực tiếp tham gia chiến trường Quảng Đà đang được trưng bày tại tầng 2 Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thu hút sự chú ý của khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài.

Bức tranh Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được năm 1954 (bột màu) của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh được giới thiệu đến khách tham quan.
Bức tranh Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được năm 1954 (bột màu) của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh được giới thiệu đến khách tham quan.

Những bức tranh gắn liền tên tuổi của các họa sĩ - người lính như: cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, họa sĩ Lê Trí Dũng, họa sĩ Lê Huy Hạnh, họa sĩ Trịnh Bá Quát, Nguyễn Thanh Tùng... Bản thân là người lính, sống cùng thời cuộc nên ký ức chiến tranh trở thành nguồn tư liệu quý giá để họ sáng tác nên những tác phẩm làm lay động lòng người.

Đơn cử như bức tranh Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được năm 1954 (bột màu) và Cuộc đấu tranh Chiên Đàn (bột màu) của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh. Đây là hai tác phẩm ông gom ký ức qua những bức ký họa chiến trường và vẽ lại vào những năm đầu năm 2000. Với bức tranh Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được năm 1954, người xem có thể cảm nhận khí thế hừng hực tranh đấu lan tỏa khắp nẻo đường, bà con kéo về chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đông đúc, trong các hàng quán, kẻ tìm cây, người cắt đoạn dây dừa phát cho dân đi trói lính. Nhân dân khiêng người chết, người bị thương từ Bàu Bàng (Bình Phục) xuống đồn Chợ Được (Bình Triều) tiếp tục cuộc đấu tranh với bọn lính Mỹ - Diệm, những người chết được đắp chiếu, sắp thành hàng dài... Trong khi đó, Cuộc đấu tranh Chiên Đàn (ngã ba An Lâu) đòi thực thi hiệp định Genève diễn ra vào tháng 9-1954 là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên có quy mô lớn của nhân dân Phú Ninh, được họa sĩ thể hiện bố cục rõ ràng, nêu bật ý chí kiên cường của nhân dân trong đối đầu với quân địch.

Chứng kiến thời cuộc đó, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh đã vẽ lại bằng tất cả cảm xúc chân thật. Họa sĩ là người đến với chiến trường Quảng Đà từ những ngày đầu chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, công việc chính của ông gồm ký họa về người và cảnh của đất Quảng thời chiến tranh.

Trong khi đó, họa sĩ Lê Trí Dũng trong một lần tham gia trại sáng tác tranh sơn dầu chủ đề “Cuộc sống và con người Đà Nẵng”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức vào năm 2014, đã cho ra đời tác phẩm Ký ức sông Hàn. Tác phẩm kể lại câu chuyện những người lính lái xe tăng vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975 và được những người mẹ, người em gái Đà Nẵng đón chào. Họa sĩ Lê Trí Dũng từng tâm sự, nhân vật anh lính trong tranh chính là tác giả và tình cảm của người dân Đà Nẵng luôn hằn sâu trong tim ông...

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết thêm, về chủ đề đấu tranh cách mạng, hiện Bảo tàng lưu giữ 415 bức, nhưng có đến 400 bức tranh và ký họa của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh. Trong đó, có khoảng 150 bức được lãnh đạo thành phố chủ trương mua từ những năm 1996-1997 với giá 50 triệu đồng, chuẩn bị cho việc ra đời Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hồi đó. Sau khi họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh qua đời (2010), toàn bộ số tranh ký họa còn lại của ông, trong đó có số lượng lớn về đề tài chiến dịch Mậu Thân 1968 đã được gia đình họa sĩ hiến tặng thành phố Đà Nẵng và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày vào những dịp phù hợp.

Năm 2014, khi họa sĩ Trung Kỳ về làm việc tại Bảo tàng, trong quá trình kiểm kê tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, ông tìm thấy bức ký họa đề tên anh Lơ, du kích thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc - cùng quê của ông. Đem câu chuyện về hỏi người trong làng, ông Kỳ được chỉ tới nhà anh du kích ấy. Tìm đến hỏi thăm, ông Kỳ mới biết du kích Lơ hy sinh nhưng gia đình không có bất kỳ hình ảnh nào về anh để thờ phụng. Bây giờ, nhờ bức ký họa này, gia đình mới có được hình ảnh duy nhất về anh Lơ.

“Tôi kể lại câu chuyện này để thấy rằng, tranh ký họa chiến trường với mục đích ghi lại sự kiện ở chiến trường bằng nét vẽ của người họa sĩ có ý nghĩa về mặt tư liệu. Tuy nhiên, có nhiều bức đạt tính thẩm mỹ vẫn được coi là tác phẩm nghệ thuật. Nhiều bức trở thành tư liệu để từ đó sáng tác những tác phẩm mỹ thuật chất lượng. Gần đây, theo đánh giá của các chuyên gia, các tác phẩm ký họa chiến tranh và tác phẩm mỹ thuật về chiến tranh trưng bày tại Bảo tàng được đánh giá cao. Đó không chỉ là tác phẩm mỹ thuật giàu cảm xúc, chân thật mà còn là những tư liệu vô giá về cuộc chiến”, ông Kỳ nhận định.

Có thể nói, phòng trưng bày chuyên đề đề tài đấu tranh cách mạng tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tạo sức hút riêng bên cạnh các tác phẩm sơn mài, sơn dầu, lụa, đồ họa và điêu khắc đương đại. Thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật dự kiến sưu tầm tranh ký họa của tác giả Hà Xuân Phong, Huỳnh Phương Đông nhằm làm phong phú hơn không gian trưng bày này.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.