Tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học: Cần sự cộng hưởng

.

Điện ảnh Việt Nam có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng của các nhà văn. Điều đáng nói, đó còn là những tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh Việt.

Phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng (được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh) là câu chuyện đẹp về tình cha con. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng (được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh) là câu chuyện đẹp về tình cha con. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Khán giả hẳn chưa thể quên đôi mắt sắc và tiếng khèn réo rắt trong phim Vợ chồng A Phủ; những đứa trẻ hồn nhiên trong phim Mẹ vắng nhà. Trong khi đó, bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy thể hiện trung thành nguyên tác 3 tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, đó là Chí Phèo, Lão Hạc và Trăng sáng. Đây là một trong những tác phẩm không thể không nhắc đến của điện ảnh Việt Nam. Những nhân vật bước ra từ trong truyện để trở thành những người bằng xương bằng thịt trên màn ảnh. Đó là một Chí Phèo bị “lưu manh hóa”, sẵn sàng rạch mặt ăn vạ bất cứ khi nào; một Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn; một Bá Kiến xảo quyệt, khôn ngoan; một giáo Thứ hiền lành và lão Hạc - một lão nông cô độc chỉ có con chó Vàng bầu bạn. Giống như Chị Dậu tạo nên tên tuổi Lê Vân thì Làng Vũ Đại ngày ấy khiến các diễn viên “đóng đinh” tên với nhân vật mà họ thể hiện như diễn viên Bùi Cường vai Chí Phèo, diễn viên Đức Lưu vai Thị Nở, nhà văn Kim Lân vai Lão Hạc.

Các phim Bến không chồng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng, Thời xa vắng chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu, là những tác phẩm được đánh giá cao trong dư luận từ khi ra đời vào những năm 1980 và nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.

Gần đây, những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn ngày càng nhiều. Góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài bằng điện ảnh có thể kể đến Mùa len trâu (biên kịch và đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh). Bộ phim được xây dựng dựa trên 2 truyện Một cuộc đời bể dâuMùa len trâu trong tập Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ XX.

“Đắt khách” nhất phải kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi tác phẩm của ông liên tục được chuyển thể. Ngoài Kính vạn hoa thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhCô gái đến từ hôm qua đã và đang tạo nên “cơn sốt”. Nhà văn “rặt Nam Bộ” Nguyễn Ngọc Tư cũng được các nhà làm phim đầu tư, mua bản quyền, làm nên những bộ phim gây xôn xao như Cánh đồng bất tậnNước 2030.

Những phim khác có thể kể đến là Mười ba bến nước và Người trở về, được đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh; Quyên được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ - đoạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết 2006-2009 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Ra mắt vào năm 2014 với sự đánh dấu trở lại của diễn viên Trương Ngọc Ánh trên màn ảnh rộng kết hợp cùng đạo diễn Việt kiều Cường Ngô, Hương Ga dựa trên tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú đã gây ra tiếng vang lớn cho nền điện ảnh Việt vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, việc “màn ảnh hóa” tác phẩm văn học hay là điều không dễ và không phải cứ có tác phẩm văn học hay thì có phim hay. Khi làm phim Cô gái đến từ hôm qua, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, tác phẩm văn học này khó chuyển thể thành ngôn ngữ hình ảnh, nếu làm phim trung thành với tác phẩm thì những người không đọc truyện sẽ thấy phim hoàn toàn không có kịch tính. Vì vậy, khi thể hiện bằng điện ảnh phải lọc bớt các nhịp văn học bị lặp lại để diễn tiến câu chuyện phù hợp hơn với nhịp của điện ảnh.

Thực tế, giữa lúc phim Việt bế tắc với “hài nhảm”, xoay đi xoay lại chỉ là “chiêu trò” tận dụng ngôi sao, việc chuyển thể tác phẩm văn học hay được xem là giải pháp để mang đến cho khán giả những bộ phim có chất lượng nghệ thuật. Đó có lẽ là một trong những lý do để Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một bộ phim không “sao”, lại chạm đến trái tim khán giả. Phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của anh) cũng không có dàn sao, chỉ có câu chuyện hay và một “bữa tiệc hình ảnh” để chinh phục khán giả. “Hãy xem phim Cha cõng con như một sự thưởng thức, đón nhận những điều giản dị và rất đỗi tự nhiên của tình yêu thương để tâm hồn thư thái, an nhiên”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Với một tác phẩm văn học được đưa lên màn ảnh, một lần nữa trái tim, tâm hồn của khán giả lại được rung lên, thổn thức, thì có nghĩa sự chuyển thể thành công. Nhưng điều đó cần sự cộng hưởng giữa văn học và điện ảnh, đồng thời còn phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của những người làm nghệ thuật thứ bảy.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.