Chủ tịch UBND thành phố vừa phê duyệt chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đây là sự động viên kịp thời tinh thần các nghệ sĩ, diễn viên theo đuổi con đường nghệ thuật truyền thống.
Diễn viên Thế Ngọc, Thanh Tiền (từ trái qua) trong một buổi tập. |
Đón nhận thông tin này, diễn viên Nguyễn Thị Thanh Tiền (sinh năm 1979) vui mừng cho biết, đó là kết quả xứng đáng cho những cống hiến, đam mê của chị đối với nghệ thuật tuồng gần 20 năm qua. Từ miền quê Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), mới 14 tuổi nhưng cô bé Tiền phải xa gia đình, theo học Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, lúc đó còn nằm trên đường Lý Thái Tổ (Đà Nẵng) trong những năm 1995 - 1997.
“Xa nhà có lúc buồn, khóc, định bỏ cuộc. Khi đó, Tiền đi học vì thích được mặc đồ đẹp, diễn trên sân khấu như mẹ và các cô chú trong đoàn hát hồi ở Tiên Lãnh chứ chưa có khái niệm yêu nghề. Dần dần trong quá trình học và sau đó đầu quân cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh năm 1998, được các thầy cô, anh chị trong nhà hát chỉ dạy thêm mới thấm. Những tháng trời mưa, không được diễn tuồng, thấy trong người bức rức, nhớ sân khấu, thèm được diễn... mới nhận ra mình thật sự yêu nghề”, diễn viên Thanh Tiền tâm sự.
Hiện nay, Thanh Tiền là một trong những diễn viên nữ chính của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tuy nhiên, cũng giống như phần đông nghệ sĩ, diễn viên theo nghệ thuật truyền thống, đời sống kinh tế của cô còn khó khăn. Nữ diễn viên này vẫn đang ở nhờ trong khu nhà tập thể của nhà hát. Ngoài mức lương cơ bản, cô được hưởng thêm chế độ bồi dưỡng theo từng đêm nhà hát “sáng đèn” hoặc có sự kiện. Mãi đến năm 2014, Thanh Tiền nằm trong đợt hưởng chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, diễn viên lần đầu tiên thành phố ban hành. Đây là lần thứ 2, nữ diễn viên này được xét duyệt với mức 3 triệu đồng/tháng trong vòng 3 năm kể từ ngày 1-1-2017 đến 31-12-2019; với cam kết làm việc ít nhất 5 năm tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kể từ ngày 1-1-2017.
“Tôi may mắn cùng 6 đồng nghiệp khác được xét tuyển đợt này. Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc và phần nào cải thiện cuộc sống, thêm niềm tin, động lực cống hiến. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi quyết tâm theo đuổi đam mê này. Ngày xưa các cô, thầy, anh chị còn khó khăn gấp bội mà họ vẫn bám nghề đó thôi”, Tiền chia sẻ.
Những năm gần đây, diễn viên trẻ Lê Thế Ngọc (sinh năm 1985, quê thị trấn Vĩnh Linh, huyện Quảng Trị) cũng dần được đảm nhận những vai nam chính của nhà hát. Trong một lần NSND Trần Đình Sanh giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Huế, chàng sinh viên Lê Thế Ngọc đã lọt vào “mắt xanh” của thầy. Nhận thấy Ngọc có nhiều triển vọng và đam mê nên NSND Trần Đình Sanh gợi ý muốn phát triển sâu hơn về nghệ thuật biểu diễn tuồng thì nên về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vì Huế không có nhà hát tuồng. Về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từ năm 2010, gần 7 năm gắn bó, diễn viên Thế Ngọc đã đạt được những thành tích đáng nể: huy chương bạc với vai diễn vua Duy Tân trong vở “Chí sĩ Trần Cao Vân” tại Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 và huy chương vàng cho vai diễn Cao Quân Bảo trong vở “Lưu Kim Đính giả giá Thọ Châu” tại Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2011; nhiều giải cao với vai Trần Bình Trọng năm 2014; vai Châu Tuấn năm 2015; vai Long trong vở “Như những tượng đài” năm 2016.
Những ngày đầu tháng 8, diễn viên Thế Ngọc lại miệt mài tập luyện để tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp 2017. Bên dưới khán đài, bậc thầy, bậc đàn anh trong nghề như: NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Phan Văn Quang chăm chú theo dõi và chỉnh sửa từng động tác, kỹ thuật hát cho Thế Ngọc. “Tôi may mắn nhận được sự chỉ vẽ tận tình của các thầy, cô giáo như: thầy Trần Đình Sanh, thầy Trương Tuấn Hải, cô Hòa Bình và các anh chị đồng nghiệp Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiền Dĩnh... Tôi vinh dự được hưởng chế độ đãi ngộ của thành phố trong hai đợt liên tiếp. Từ những “tiếp sức” này, tôi có thể vững tâm theo nghề bằng niềm đam mê, khát vọng cống hiến”, Thế Ngọc phấn khởi nói.
Theo NSND Trần Đình Sanh, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, diễn viên tiêu biểu thời gian qua của thành phố là điều đáng quý. Đây được xem là bước đột phá dành cho nghệ thuật truyền thống, giúp nghệ sĩ cải thiện đời sống, tập trung hoạt động nghệ thuật. Trước đây, nhiều nghệ sĩ “ôm” gần 10 huy chương, giải thưởng ở các cuộc thi toàn quốc nhưng không có chế độ ưu đãi nào. “Nhưng trong tâm khảm của tôi và nhiều anh em cùng thế hệ vẫn mong mỏi thành phố có những chế độ, chính sách như thế nào đó để nghệ sĩ, diễn viên có môi trường hoạt động nghệ thuật. Nghĩa là làm sao nghệ sĩ, diễn viên hoạt động chính trên sân khấu của nhà hát, bằng chính sản phẩm nghệ thuật họ tạo ra bởi sự dày công tập luyện, đầu tư... Điều này mới thật sự đáng quý trong giai đoạn khó khăn hiện nay của nghệ thuật truyền thống. Tôi cảm giác nghệ sĩ, diễn viên nhà hát hiện không “thất nghiệp” mà đang “thất nghề”, NSND Trần Đình Sanh nói thêm.
Chủ tịch UBND thành phố vừa phê duyệt chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (7 người) và Nhà hát Trưng Vương (8 người) với tổng mức hỗ trợ 390 triệu đồng trong năm 2017. Năm 2018 và 2019 tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa để thực hiện chế độ này. Chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, diễn viên được xét duyệt 3 năm/lần từ năm 2014 đối với những nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tiêu biểu. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ