Dấu ấn văn hóa miền biển

.

Nhà thờ tập linh nghề cá, còn được gọi là Nhà thờ truyền thống nghề cá quận Thanh Khê tồn tại từ bao đời nay như một minh chứng cho văn hóa tâm linh miền biển.

Tại Nhà thờ tập linh nghề cá hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý liên quan đến nghề biển.
Tại Nhà thờ tập linh nghề cá hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý liên quan đến nghề biển.

Nhà thờ tập linh nghề cá quận Thanh Khê nằm tại khu đất cao ráo, trong con hẻm trên đường Trần Cao Vân, thuộc phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê).

Theo phổ hệ được ghi chép và cất giữ cẩn thận tại nhà thờ tập linh, vào năm Quý Tỵ 1893, ngư dân làng chài Thanh Khê và làng Hà Khê trong khi hành nghề cá chuồn khơi thì gặp cơn bão lịch sử ngày 23-3 làm  hơn 1.500 ngư dân chết và mất tích trên biển, thiệt hại nhiều tài sản và ngư lưới cụ. Do đó, toàn thể người dân địa phương đã lập Nhà thờ tập linh nghề cá để tưởng niệm các ngư dân chết và mất tích. Ban đầu, nhà thờ được dựng đơn sơ gần biển, đến năm 1911 mới chuyển về địa điểm hiện tại và được trùng tu, xây mới khang trang vào năm 1991 do các chư phái tộc và toàn thể nhân dân đóng góp tiền của, công sức.

Theo ông Lê Văn Lễ, Trưởng ban Bảo vệ di tích làng Thanh Khê, nơi đây không chỉ thờ những người chết và mất tích năm Quý Tỵ 1893, mà thờ tất cả ngư dân chết và mất tích những năm sau đó, gần nhất là trong cơn bão Chanchu 2006. “Nghề biển lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước, nguy hiểm vô cùng, đa phần chết không tìm thấy xác. Vì thế, Nhà thờ tập linh nghề cá quận Thanh Khê nhằm quy tập tất cả những người đã mất trên biển để tưởng nhớ và cúng kính hằng năm”, ông Lễ cho biết.

Tại Nhà thờ tập linh nghề cá hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý liên quan đến nghề biển như: mô hình các công cụ đi biển từ xưa đến nay như: thuyền, thúng, ghe nan, lưới; đặc biệt những chiếc ghe, thuyền bằng gỗ - biểu trưng của những chiếc ghe gặp nạn trong cơn bão lịch sử năm Quý Tỵ 1893; tượng Ông chài được ngư dân làng Thanh Khê đang hành nghề đánh cá trên biển vớt được vào mùa thu năm Canh Ngọ 1990, tượng làm bằng gỗ quý mô phỏng hình ảnh ông đi chài tay cầm mảnh lưới và con cá vừa bắt được...

Hằng năm, đến ngày 23-3 âm lịch, dân làng biển Thanh Khê tổ chức lễ cúng quy mô lớn, còn gọi là lễ cúng cô hồn. Theo quan niệm của dân biển xứ Quảng, cô hồn là người chết không có họ hàng thân thích thờ cúng, chết không bình thường, gọi chung là bất đắc kỳ tử, thường vào giờ thiêng, nên có năng lực, quyền uy, chi phối đáng kể cuộc sống của cộng đồng và nghề biển. Vì vậy, phải thờ phụng chu đáo để cầu mong sự phù hộ, chở che của cô hồn. Hành vi tín ngưỡng này xuất phát từ quan niệm của cộng đồng ngư dân rằng, nỗi đau mất mát của từng gia tộc cũng là nỗi đau chung của vạn chài.

“Không chỉ vào dịp 23-3 âm lịch, trong những chuyến ra khơi quan trọng, ngư dân cũng đến đây thắp hương, cầu khấn phù trợ một chuyến đi an toàn, bội thu. Khi về, được như ý nguyện, họ cũng vào đây tạ ơn”, ông Lễ cho biết thêm.

Ngoài Nhà thờ tập linh nghề cá được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2011, trên địa bàn quận còn có Lăng Ông thờ cá voi. Hằng năm, dân làng chài Thanh Khê tổ chức lễ cúng đầu năm là Lễ cầu ngư. Lễ cầu ngư được người dân, đặc biệt ngư dân tổ chức lớn và trang trọng. Trong lễ, dân làng thường tổ chức rước mô hình ghe thuyền đánh cá được trưng bày ở nhà truyền thống nghề cá về đình Thanh Khê để làm lễ. Ngoài ra, đình còn có 2 lễ cúng lớn hằng năm, tập hợp đông đủ dân làng tham gia đóng góp tổ chức lễ cúng đầu năm mới (Lễ Thành khiến: vào 7 giờ sáng ngày mùng một Tết, cầu cho dân làng một năm mới an lành, làm ăn thịnh vượng, toàn gia hạnh phúc và Lễ cầu an trong 2 ngày 9 và 10-7 âm lịch.

“Nhân dân phường Thanh Khê Đông hiện theo nghề biển không nhiều như trước đây nhưng dấu ấn văn hóa miền biển còn đậm nét. Đình Thanh Khê, Lăng Ông thờ cá voi hay Nhà thờ tập linh... mang đặc trưng của không gian văn hóa làng biển, trở thành nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân làng, là chốn linh thiêng nơi nhân dân gửi gắm niềm tin và ước vọng vào thế giới siêu nhiên, thế giới thanh bình”, ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.