Đọc sách cho trẻ

.

Vấn đề đọc sách cho mọi lứa tuổi ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nhất là với trẻ em. Không hẳn chỉ là hưởng ứng theo kiểu phong trào, mà các bậc phụ huynh đã nhận thức rõ hơn hiệu quả của việc đọc sách đối với trẻ.

Nhưng có điều, lâu nay chúng ta thường quan tâm vấn đề tạo thói quen tự đọc sách cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học trở lên (một lý do không nhỏ là để các cháu bớt chơi trò chơi điện tử và “dán mắt” vào màn hình vô tuyến mỗi ngày), mà lại ít chú tâm đến việc đọc sách cho trẻ nghe ở độ tuổi mẫu giáo.

Khái niệm “đọc” ở đây được hiểu là đọc to lên thành tiếng để trẻ theo dõi, cuốn hút trẻ vào nội dung câu chuyện (vì các cháu ở độ tuổi chưa đến trường, chưa biết đọc, biết viết). Những thập kỷ gần đây, đọc sách thành tiếng là lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy việc đọc sách cho trẻ nghe đã hỗ trợ rất hiệu quả trong việc hình thành nhân cách và trí tuệ cho bé, kể cả đối với những lĩnh vực giáo dục đặc biệt đối với những trường hợp trẻ bị thiểu năng trí tuệ hoặc các khuyết tật về não.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trẻ say mê hứng thú như thế nào khi được người lớn đọc sách cho nghe. Ở độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo, các cháu chưa được học chữ, mới chỉ làm quen với những chữ cái thông thường thì việc được nghe đọc sách, nhất là những truyện cổ tích, truyện thần thoại đã thực sự mở ra một chân trời mới mẻ cho trí tưởng tượng của bé.

Khi được nghe đọc sách, các bé cảm thấy được sống trong sự bảo bọc, yêu thương và cảm thấy hứng thú được ông bà, cha mẹ dẫn dắt khám phá thế giới chung quanh thông qua những trang sách. Và từ thế giới huyền ảo của những trang sách, khi tiếp xúc với những đồ vật cụ thể hằng ngày chung quanh, như thú cưng trong nhà đến những con búp bê và các loại đồ chơi, với những pho tượng... các bé cảm thấy như những đồ vật vô tri cũng có linh hồn, gần gũi như những người bạn thân thiết.

Điều thú vị là khi nghe chuyện, trong tư duy của bé nảy sinh rất nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc ngây ngô hồn nhiên, và đấy là dấu hiệu của sự trưởng thành trong nhận thức của trẻ, từ cảm tính mở rộng sang tư duy và tưởng tượng. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, gặp bất cứ từ ngữ mới hoặc khó, bé thường dừng lại yêu cầu người lớn giải thích.

Vì vậy, đọc sách cho trẻ giúp làm giàu vốn từ rất rõ rệt, giúp phát triển ngôn ngữ của các cháu. Tiến tới một bước, khi làm quen với mặt chữ cái, những khi đi cùng người lớn ra phố hoặc vào các siêu thị, bé thường nhẩm đọc những chữ cái quen thuộc trên những biển báo, bảng hiệu trên đường. Đó cũng là dấu hiệu thuận lợi để tiến tới chuẩn bị cho trẻ tập viết khi vào lớp 1.

Về sự cần thiết của việc đọc sách cho trẻ trước tuổi đi học thì hầu như ai cũng rõ. Tuy nhiên, nói thì có vẻ giản đơn nhưng thực hiện không phải dễ. Dù mỗi ngày chỉ dành ra khoảng 15-20 phút thôi nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng làm được điều này phần vì công việc ở cơ quan bận rộn, phần vì sức ép mưu sinh. Sau một ngày lao động mệt mỏi, nếu không sắp xếp thời gian khoa học, việc đọc sách cho trẻ có khi trở thành nặng nề, khó thực hiện.

Nhưng nếu coi đây là những phút giây thư giãn cùng bé trước khi vào giấc ngủ, thì việc đọc vài ba trang sách với một câu chuyện cổ, một đoạn văn hay, sẽ trở thành niềm vui cho cả ông bà, bố mẹ lẫn trẻ em. Đó là lúc người lớn chúng ta đem đến một món ăn tinh thần bồi bổ tâm hồn trẻ em sau mỗi ngày, đúng như một nhà khoa học đã đúc kết: “Sách là vitamin cho trí tuệ và tâm lý của trẻ em”. Và có lẽ không chỉ với trẻ em mà cả với người lớn chúng ta nữa!

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.