Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, có lẽ nghệ thuật tuồng đang gặp khó khăn hơn cả trong việc tiếp cận công chúng.
Nghệ thuật tuồng - hát bội - là bộ môn nghệ thuật không dễ tiếp cận, không dễ thẩm thấu. Từ nội dung kịch bản chứa đựng triết lý nhân sinh cao cả, hệ thống lời thoại mang tính chất bác học, hàn lâm, đến cử chỉ, điệu bộ cách điệu hàm nghĩa sâu sắc, tất cả đòi hỏi người xem phải “đồng sáng tạo” cùng người biểu diễn. Tuy nhiên, một khi đã hiểu tuồng, đã yêu mến nó thì thật khó dứt bỏ bởi những giá trị độc đáo không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có.
Cảnh trong vở Huyền Trân Công chúa do Nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng). Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tuồng, không giống như nghiên cứu một tác phẩm chính luận. Tác phẩm/vở diễn trực tiếp mang đến cho người xem, người nghe những cảm xúc rung động tức thời, cụ thể, cảm tính; nhưng đồng thời cũng từ đó hình thành những nhận thức sâu sắc về đạo đức, nhân sinh. Vì vậy, để nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng, không thể hô hào, kêu gọi chung chung mà phải tạo điều kiện, phương thức cụ thể để làm sao cho đông đảo công chúng được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm tuồng.
Những năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề này. Riêng học sinh từng có một thời gian sôi nổi với dự án “Sân khấu học đường”, tuy không thực hiện đại trà nhưng những nơi có điều kiện triển khai đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận. Học sinh ở lứa tuổi thanh, thiếu niên được tiếp xúc trực tiếp với nghệ thuật tuồng, được xem cụ thể những vở diễn hoặc những trích đoạn, được sống với nhân vật, được chứng kiến lao động nghệ thuật của các cô, chú, anh, chị diễn viên. Chỗ nào khó thì được giảng giải. Có trường còn tổ chức cho các em luyện tập và biểu diễn một số trích đoạn tuồng…
Ở cấp độ rộng rãi hơn, với cố gắng của ngành văn hóa các địa phương, sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật và diễn viên, các tác phẩm tuồng đã đến với bà con vùng sâu, vùng xa nhân các dịp lễ hội. Đặc biệt, từ năm 2015, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã thực hiện chương trình đưa nghệ thuật tuồng đất Quảng đến với đường phố thuộc khu vực bờ đông sông Hàn nhằm làm cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đến gần hơn với công chúng và phục vụ du khách, nhất là du khách quốc tế. Chương trình được tổ chức vào tối chủ nhật hằng tuần trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, dịp thời tiết Đà Nẵng tương đối thuận lợi. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện tư duy mới của thành phố. Tâm lý chung vẫn thường nói về một bộ môn nghệ thuật nào đó, một phong cách nghệ thuật của một tác giả nào đó là “kén” khán giả, đòi hỏi trình độ thưởng thức cao. Nhưng không có nghĩa là có những thứ nghệ thuật quá “bí hiểm” mà chỉ có một giới nào đó mới hiểu được. Nếu như thế thì làm sao chúng ta có thể giải thích hiện tượng người bình dân ngày xưa mê hát bội đến như vậy: Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con hát bội làm đào mẹ coi, hoặc: Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con, và cả khi Bầu Đồng đóng Phụng Nghi Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi!…
Hiện nay, ở thủ đô Hà Nội, khi phương án phố đi bộ quanh Hồ Gươm được thực hiện, nhiều vở diễn nghệ thuật truyền thống đã xuống đường phục vụ người đi bộ. Những diễn viên khi được hỏi đến đều cho rằng, họ được gần gũi người xem; và theo họ, cách diễn cũng “mộc” hơn, gần với đời thường hơn, nhưng không có chuyện dung tục hóa nghệ thuật.
Trở lại với việc đưa nghệ thuật tuồng diễn ở sân khấu ngoài trời nơi công cộng ở Đà Nẵng. Đây không phải đơn giản chỉ là để quảng bá, tiếp thị bộ môn nghệ thuật này theo cách của cơ chế thị trường, mà trước hết chính là tạo điều kiện để bà con lao động nghèo có điều kiện đi “coi hát bội” (đâu phải ai cũng đủ tiền mua vé vào các nhà hát chính quy sang trọng!). Thứ nữa là chúng ta phải tạo được một lớp công chúng thưởng mới đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, không thể để nó mai một. Về phương diện giáo dục thẩm mỹ, sân khấu công cộng sẽ trở thành một lớp học tự nhiên giáo dục những kiến thức sơ đẳng cho thế hệ trẻ đang bị cuốn theo những thứ nghệ thuật thời thượng được trở về với một bộ môn nghệ thuật vốn được cha ông họ từng đam mê.
Nhắc lại một câu chuyện lịch sử ở Quảng Nam, trong phong trào Duy Tân, những người chủ xướng đã có chủ trương xây chợ Phong Thử (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) theo phương thức mà ngày nay ta gọi là “xã hội hóa”. Thoạt đầu, người dân góp ruộng, góp công; đất dồn lại để có mặt bằng làm chợ, sau một thời gian hoàn trả lại tiền cho bà con. Nhưng điều quan trọng là song song với xây chợ, người ta cho xây trường hát ngay phía sau chợ, có tới 300-400 chỗ ngồi. Chắc đấy cũng là cách nghĩ mà hôm nay có người gọi là “đưa tuồng xuống phố”. Người chủ xướng việc này là cụ Phan Thúc Duyện (1873-1944), người cùng thời với Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.
Trong xã hội hiện đại, để lưu giữ, truyền bá nghệ thuật kinh điển không chỉ “bảo quản” nó trong những “lâu đài nghệ thuật”, mà cách tốt nhất là lưu giữ nó trong chính thị hiếu của công chúng. Phải đưa nghệ thuật đến với cuộc sống đời thường, tất nhiên không dung tục hóa nó. Nó có thể không “cạnh tranh” được với pop, rock, và chắc cũng không có ai nghĩ đến điều ấy. Nhưng nó phải hiện hữu trong đời sống tinh thần vốn rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, cùng với dự án âm nhạc đường phố, vẫn rất cần tiếp tục đầu tư, nuôi dưỡng, chương trình đưa tuồng xuống phố cần tiếp tục được tạo điều kiện tối đa, tối đa vì cái khó riêng của bộ môn nghệ thuật này. Cần một dự án lâu dài, nhất là về kinh phí, ít nhất ổn định trong khoảng thời gian 5 năm/lần, không nên để các nhà hát truyền thống phải lập kế hoạch từng năm, chờ đợi phê duyệt mới triển khai. Như vậy, những nhà quản lý rất bị động và công chúng có khi bị lỡ dịp để tiếp cận, thưởng thức.
Tính chất hàn lâm của nghệ thuật nói chung, trong đó có nghệ thuật tuồng, không phụ thuộc vào địa điểm diễn tấu, mà là ở nội dung sâu sắc, mang tính triết lý, giá trị tư tưởng - nghệ thuật, không gây cười rẻ tiền của nó. Những vở chèo mang tính kinh điển của Bắc bộ đều từng được diễn ở những chiếu chèo nơi đình làng, được gọi là “chèo sân đình”. Những ai từng đến các nước phương Tây hẳn đã chứng kiến những dàn nhạc giao hưởng trình diễn những bản giao hưởng rất nổi tiếng của các nhạc sĩ cổ điển không chỉ trong các nhà hát hoành tráng quy mô mà có khi ở một quả đồi rất thoáng đãng ở ngoại ô thành phố vào mùa xuân và mùa thu. Sân khấu cho hàng trăm nhạc công được dựng ở chân đồi. Người xem ngồi thoai thoải theo sườn đồi thay vì những hàng ghế ngay ngắn trong nhà hát. Nhiều người đi cả gia đình, vợ chồng, con cái mang theo bánh mì, nước ngọt ngồi mấy tiếng đồng hồ để chờ đợi để được thưởng thức những tác phẩm mà họ yêu thích. Những hình thức, địa điểm biểu diễn như vậy không hề làm giảm giá trị của các tác phẩm kinh điển, mà lại được có điều kiện biểu diễn phục vụ cho hàng ngàn người xem. |
BÙI CÔNG MINH