Thời gian qua, các ngành chức năng Đà Nẵng quyết tâm khôi phục, trả lại nguyên vẹn thành Điện Hải và tìm thêm những chứng cứ mang tính khoa học để hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho di tích này.
Học sinh thành phố Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử tại thành Điện Hải. |
Di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ ở Đà Nẵng
Năm 2017, UBND thành phố giao Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) chuẩn bị hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho thành Điện Hải. Đảm nhận trọng trách này, nhiều tháng liền, Trung tâm Quản lý di sản thành phố thực hiện các chuyến đi tìm hiểu những dấu tích liên quan đến sự kiện lịch sử liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất vào năm 1858-1860 như: đồn Chơn Sảng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), khu nghĩa địa của những binh lính trong liên quân Pháp và Tây Ban Nha tử trận trong các cuộc tấn công đầu tiên vào cảng Đà Nẵng (quận Sơn Trà)...
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố, dựa trên bản đồ hệ thống phòng thủ vịnh biển Đà Nẵng thời nhà Nguyễn của Võ Văn Dật, hệ thống phòng thủ được nhà Nguyễn bố trí dày đặc ở những vị trí cửa ngõ của Đà Nẵng. Thuộc hệ thống phòng thủ Sơn Trà, trên đỉnh núi là đồn Trấn Dương, dưới chân núi Sơn Trà ở mũi Mỏ Diều có pháo đài Phòng Hải, nằm dọc theo bờ đông sông Hàn là thành An Hải, các đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị. Bên bờ tây sông Hàn có thành Điện Hải và các đồn Thạc Gián, Liên Trì; dọc theo sông Cu Đê có các đồn Hóa Ổ, Chơn Sảng, thành Định Hải...
Tuy nhiên, theo thời gian, thành An Hải (nằm ở vị trí An Đồn ngày nay), từng phối hợp cùng thành Điện Hải ở bờ tây (khu vực Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay) làm thành hai “cứ điểm phòng thủ” lớn nhất của Đà Nẵng thời đó đã không còn. Thành Định Hải, các đồn ngày ấy ở tình trạng tương tự. Tháng 8-2017, trong chuyến đi thực tế, Trung tâm Quản lý di sản tìm về đồn Chơn Sảng, nơi đây vẫn còn dấu tích tường thành bằng đá nhưng bị sạt đổ nhiều chỗ...
Như vậy, hệ thống phòng thủ trong những ngày đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha của quân và dân Đà Nẵng chỉ còn lại mỗi thành Điện Hải. Các chuyên gia cũng từng khẳng định, nếu không kể cố đô Huế thì thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở miền Trung. Thành Điện Hải ngày nay vẫn giữ dáng vẻ uy nghi, vững chãi của một tòa thành từng là tiền đồn chống Pháp, có hệ thống súng thần công. Ngoài thành Điện Hải, dư âm của sự kiện lịch sử 1858-1860 tại Đà Nẵng là hy sinh, mất mát của binh lính cả hai bên như: Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang, khu nghĩa địa Tây Ban Nha, dinh Cô hồn (làng Nam Ô)...
Cũng theo ông Tuấn, trong hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt mới đây, giá trị lịch sử của thành Điện Hải được nhấn mạnh. “Ba giá trị về mặt lịch sử mà tôi cho rằng khá đặc biệt của thành Điện Hải là: minh chứng va đập giữa nền văn minh phương Tây và phương Đông, bởi trước 1858 nền văn minh phương Đông còn biệt lập; mốc chuyển tiếp từ thời kỳ lịch sử trung đại sang cận đại của Việt Nam và minh chứng cho lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông ngày xưa”, ông Hồ Tấn Tuấn nói.
Nhanh chóng khôi phục nguyên trạng thành Điện Hải
Bên cạnh chỉ đạo thực hiện hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với thành Điện Hải, UBND thành phố cũng yêu cầu các ngành chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”.
Tại Thông báo số 36/TB-UBND ngày 29-3-2017, UBND thành phố giao Sở VH-TT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị làm quản lý dự án, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục xây dựng cơ bản để khởi công dự án vào tháng 9-2017. Tuy nhiên, tại báo cáo ngày 22-8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị cho biết, không thể thực hiện đúng tiến độ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân mặt bằng vẫn chưa được giải tỏa.
Sở VH-TT, chủ đầu tư dự án cho biết, ngày 25-8-2017, Bộ VH-TT&DL có công văn thống nhất nội dung thỏa thuận: Tu bổ, phân kè, hào hiện trạng; phục hồi phần kè, hào phía bắc, tây, nam; tôn tạo khu vực giải phóng mặt bằng xung quanh thành và hạ tầng kỹ thuật. Tiếp đó, ngày 5-9, UBND thành phố có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các cơ quan và đơn vị liên quan sớm hoàn thiện trình UBND thành phố phê duyệt giá đất tái định cư.
Đồng thời, giao Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để chi trả bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư trong tháng 9-2017 và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 30-10-2017; giao Sở VH-TT khẩn trương triển khai các công việc liên quan theo ý kiến của Bộ VH-TT&DL; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công công trình vào cuối quý 1-2018.
Với những nỗ lực trong thời gian qua của lãnh đạo thành phố và các cấp, ngành liên quan, người dân Đà Nẵng trông chờ hình hài di tích quốc gia thành Điện Hải được trả lại trọn vẹn vào năm 2018. Nơi đây được kỳ vọng là điểm di tích mang lại sự trải nghiệm về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp thông qua các hạng mục bên trong thành như nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công, cảnh sinh hoạt ở thành Điện Hải xưa...
Bài và ảnh: NGỌC HÀ