Năm học 2017-2018, 6 trường học trên địa bàn quận Sơn Trà có thư viện mới do tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam tài trợ. Nhiều học sinh trước đây không biết thư viện trường nằm ở đâu, nay thích đến thư viện, mê đọc sách.
Thư viện trường là điểm đến quen thuộc của học sinh Trường tiểu học Quang Trung (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) trong giờ ra chơi. |
Trống báo giờ ra chơi vừa điểm, hàng chục em nhỏ ở Trường tiểu học Quang Trung (phường Mân Thái) ùa vào phòng thư viện trên tầng hai để tìm sách đọc. Một số học sinh lớp 4, 5 nhanh nhẹn chạy đến giúp các em nhỏ hơn chọn sách, chọn chỗ ngồi. Trong căn phòng được ốp sàn gỗ rộng khoảng 50m2, các giá sách vừa tầm học sinh tiểu học được xếp quanh tường, bao quanh 3 chiếc bàn thấp có hình thù ngộ nghĩnh. Tìm sách xong, các em cùng ngồi bệt xuống sàn đọc chăm chú.
Đầu năm học 2017-2018, Trường tiểu học Quang Trung được tổ chức Tầm nhìn Thế giới bàn giao công trình “Thư viện thân thiện”, cải tạo từ thư viện cũ của trường. Em Nguyễn Mai Phương Trinh (lớp 4/3) cho biết: “Những năm học trước, giờ ra chơi, em thường vào thư viện nhờ cô giáo lấy sách rồi mang ra hành lang đọc. Ngày khai giảng năm nay, em ngạc nhiên khi thấy thư viện có diện mạo mới với những hình vẽ tường đẹp mắt, số lượng sách nhiều hơn hẳn. Em không ra hành lang đọc sách nữa mà tự lấy sách đọc ngay trong thư viện”.
Năm học này, thư viện Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (phường Nại Hiên Đông) cũng trở thành điểm đến yêu thích của học sinh trong trường. Vừa tan lớp học thể dục, em Hứa Đặng Thảo Minh (lớp 9/2) vào thư viện mượn sách về nhà đọc. Minh bày tỏ: “Năm học cuối cấp này, em muốn tập trung học để thi đỗ vào trường THPT như ý. Thư viện có rất nhiều sách tham khảo mới có chất lượng nên em rất thích”.
Cô Trần Thị Thanh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Mùa hè vừa qua, với sự hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, căn phòng thư viện cũ 40m2 được nới rộng thêm 20m2. Bên cạnh việc tu bổ, cải tạo, mua sắm trang thiết bị và các đầu sách (Trường THCS Phạm Ngọc Thạch được tài trợ hơn 1.400 đầu sách mới), tổ chức Tầm nhìn Thế giới còn có các lớp tập huấn cho giáo viên về cách quản lý thư viện, tổ chức hoạt động để nuôi dưỡng niềm say mê đọc sách trong học sinh”. Cô Ngô Huyền Trang, giáo viên thư viện Trường tiểu học Quang Trung cho biết, chương trình huấn luyện vào đầu năm học của tổ chức Tầm nhìn Thế giới được thực hiện rất chi tiết và hiệu quả. Trước đây, sách được xếp theo thứ tự A-B-C, gây khó khăn đối với các em nhỏ chưa quen tra cứu. Bây giờ, thư viện phân loại sách theo mã màu. Sách ít chữ nhiều tranh thì màu đỏ, dành cho học sinh lớp 1. Sách nhiều chữ, nội dung phức tạp hơn thì màu vàng, dành cho các em lớp 4-5. Những em nhỏ nhất cũng có thể vào thư viện tự tìm sách đọc mà không cần nhờ cô giúp nữa.
Anh Trương Công Bảo, phụ trách dự án “Thư viện thân thiện” thuộc tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho hay, năm học này có 6 trường trên địa bàn quận Sơn Trà được chọn thực hiện cải tạo thư viện gồm: Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (phường Mân Thái), Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (phường Nại Hiên Đông), Trường THCS Phan Bội Châu (phường Phước Mỹ), Trường tiểu học Quang Trung (phường Mân Thái), Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (phường Nại Hiên Đông) và Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang). Ngoài ra, còn có một thư viện cộng đồng cà-phê sách cho dân cư phường Mân Thái. Tổng giá trị toàn dự án trên 1,4 tỷ đồng. Các trường được chọn đều ở những vùng khó khăn, học sinh ít có điều kiện tiếp cận sách. Thông qua những thư viện thân thiện, Tầm nhìn Thế giới mong muốn các em đọc sách nhiều hơn, qua đó bổ sung kiến thức, trang bị kỹ năng sống. Cô Phạm Thị Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung chia sẻ: “Từ lúc cải tạo thư viện, mỗi giờ ra chơi có đến 60-70 em cùng đến đọc sách”.
Quận Sơn Trà hiện có khoảng 5.800 học sinh đang được thụ hưởng thành quả chương trình “Thư viện thân thiện”. Trong 2 năm có ngày hội sách trên địa bàn quận Sơn Trà, Tầm nhìn Thế giới đã tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi, đọc sách, đổi sách cho các em thiếu nhi, qua đó tư vấn và tuyên truyền về quyền trẻ em.
Bài và ảnh: KHANG NINH