Bờ kè tại biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà (đoạn ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp) sẽ được khoác áo mới là những bức tranh gốm nghệ thuật đầy màu sắc rực rỡ, thay thế những mảng bê-tông bám đầy dây leo.
Bờ kè biển Đà Nẵng sẽ có diện mạo hoàn toàn mới. |
Ông Nguyễn Cửu Loan, phụ trách dự án “Trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật” cho biết, đoạn bờ kè được trang trí kéo dài từ ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp đến ngã ba đường Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp, với chiều dài 1,3km.
Ý tưởng của dự án gồm 3 chủ đề chính: thành phố hướng biển (gồm 18 bức tranh), văn hóa đời sống xã hội (26 bức tranh), ý thức môi trường (18 bức tranh), đang thi công giai đoạn 1, mỗi chủ đề sẽ gồm nhiều bức tranh liên tiếp và liền mạch.
“Dự án nhằm làm đẹp thêm bãi biển; tạo môi trường trong sạch, văn minh; làm mới diện mạo cảnh quan bờ biển với những bức tranh gốm dài được ốp trên các bờ kè; nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường, tạo điểm nhấn để du khách tham quan, chụp ảnh, góp phần quảng bá du lịch. Ngay bên dưới các bức tranh, giá hạ được gom, dọn cỏ, làm thành con đường bê-tông nhỏ để sau khi dự án hoàn thành, người dân và du khách có thể thoải mái ngắm tranh, chụp ảnh”, ông Loan chia sẻ.
Các bức tranh khi đưa vào lò gốm sản xuất gồm nhiều mảnh gốm nhỏ khác nhau có kích thước 10 x 30cm, được đánh ký hiệu cụ thể. Để hoàn thiện một bức tranh, cần hàng trăm mảnh gốm nhỏ ghép lại. Giai đoạn 1 gồm 18 bức tranh (tác phẩm do các họa sĩ vẽ độc lập) sẽ được sắp xếp, phối màu thành một bức tranh dài liền mạch, hài hòa.
Ông Loan đánh giá, việc lựa chọn chủ đề cũng như người vẽ cũng khá vất vả. Phần lớn tranh thể hiện những nét đặc trưng về quê hương, cuộc sống của con người Đà Nẵng xưa và nay; về đại dương, biển cả do các họa sĩ trẻ vẽ trên dòng suy nghĩ của trẻ thơ và một số tác phẩm của các em thiếu nhi được Hội Mỹ thuật thành phố tuyển chọn từ các cuộc thi vẽ. Sau khi có tranh, việc chuyển thể từ tranh sang mặt gốm đòi hỏi nhiều kỹ thuật, sự chi tiết, tỉ mỉ bởi những mảnh gốm được làm là gốm nổi, nên quá trình nhồi đất, tạo hình phải kỹ lưỡng, công phu. Việc lên màu cho gốm cũng cần những bàn tay lành nghề.
Vì vậy, để bảo đảm kỹ thuật và lên men gốm tốt, ngoài các nghệ nhân của địa phương, Công ty CP Gốm sứ mỹ nghệ Sông Hoài (làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) - đơn vị sản xuất - còn mời các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng vào hỗ trợ. Các mảnh gốm ra lò sẽ được vận chuyển ra Đà Nẵng và dán thành một bức tranh hoàn thiện.
Trong quá trình giám sát nhóm thợ dán tranh lên tường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng - phụ trách mỹ thuật của dự án - cũng bắt tay vào tô viền, chỉnh sửa các đường viền của các miếng dán mới hoàn thiện. Ông Dũng cho biết, ưu điểm của dự án tranh gốm này là có những họa tiết nhìn như phù điêu, rất bắt mắt. Khác với tranh bích họa, tranh gốm bền màu và giữ được lâu. Đà Nẵng có thể triển khai dự án này trên diện rộng như dọc tuyến biển, hai bờ sông Hàn…, vừa làm đẹp môi trường, cảnh quan, vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống.
Ông Nguyễn Cửu Loan kỳ vọng giai đoạn 1 của dự án sẽ sớm được hoàn thiện trong tháng 10 này để chào đón Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Người dân thành phố và khách du lịch sẽ có thêm điểm đến văn hóa; đồng thời mở ra không gian văn hóa mới cũng như có thêm các dự án góp phần giữ gìn môi trường, làm đẹp cảnh quan của thành phố.
Giai đoạn 1 dự án “Trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật” do Tạp chí chuyên đề Đô thị và phát triển làm chủ đầu tư đang được triển khai thí điểm tại bờ kè tại biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà (đoạn ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp) gồm 18 bức tranh, mỗi bức có kích thước cao 2m, dài 5m với tên gọi “Thành phố hướng biển”. |
Bài và ảnh: THU HÀ