Sau các khách sạn, đến lượt các quán cà-phê ở Đà Nẵng cũng vừa nhận được giấy đề nghị nộp phí tác quyền âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC), chi nhánh phía Nam.
Các quán cà-phê ở Đà Nẵng vừa nhận được giấy đề nghị nộp phí tác quyền âm nhạc. (Ảnh minh họa) |
Anh Hoàng Duy, chủ một quán cà-phê ở quận Hải Châu phản ánh vừa nhận được giấy yêu cầu “trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc” từ VCPMC chi nhánh phía Nam do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm ký. Nội dung giấy đề nghị của Trung tâm gửi đến quán cà-phê có nêu: “Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời bảo đảm cho việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc tại cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, Trung tâm đề nghị chủ doanh nghiệp/hộ kinh doanh liên hệ với Trung tâm để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc theo quy định tại khoản 3, Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ”.
Anh Duy cho rằng, việc thu phí như trên không hợp lý, bởi quán cà-phê thường phát nhạc từ các trang trực tuyến hoặc tải từ mạng về. Những trang nhạc trực tuyến này thu hoặc không thu phí và nếu có thu phí thì quán đã trả phí. “Nên chăng cần thu phí tác quyền âm nhạc qua các kênh cung cấp nhạc như thế, chứ thu phí ở quán cà-phê thì tính như thế nào, làm sao biết được quán phát bao nhiêu bài, của nhạc sĩ nào vì hôm nay mở album này, mai lại mở album khác, Trung tâm lấy cơ sở nào thống kê rồi thu phí?”, anh Hoàng Duy nói.
Quan điểm của anh Hoàng Duy cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều chủ quán cà-phê khác. Hầu hết họ cho rằng, phía Trung tâm cần có câu trả lời cụ thể, đối thoại một lần để các cơ sở kinh doanh, người dân được biết xem hợp lý hay không rồi mới quyết định “trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc”.
Về vấn đề này, bà Văn Thị Thu Bích, Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng xác nhận, Trung tâm phía Nam có gửi giấy đề nghị như trên đến các quán cà-phê cũng như các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng trước đó và việc này đúng luật.
Về phía cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết, có nghe thông tin chủ quán cà-phê ở Đà Nẵng phản ánh việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Nam đề nghị chủ quán trả tiền quyền tác giả âm nhạc, nhưng nội dung cụ thể thế nào thì chưa nắm rõ. Tuy nhiên, vụ việc này cũng như việc thu tiền tác quyền ở các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở đã có ý kiến, việc thu tiền quyền tác giả âm nhạc là quyền dân sự giữa tác giả hoặc chủ sở hữu hợp pháp quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm và cần có sự thỏa thuận hợp lý. Cụ thể, nếu tác giả muốn thu tiền tác quyền âm nhạc trên ti-vi thì cần xây dựng biểu mức tiền phù hợp với thực tiễn và được sự đồng thuận của bên sử dụng tác phẩm. Đồng thời, phải trích xuất được những tác phẩm phát sóng trên ti-vi là những tác phẩm nào, kênh nào, ngày giờ nào và chứng minh được khách lưu trú có xem những tác phẩm đó và tác phẩm đó thuộc ủy quyền của đơn vị thu tiền.
“Nếu bên sử dụng và bên khai thác quyền tác giả không thỏa thuận được các vấn đề liên quan, có thể kiện ra tòa án để giải quyết. Trường hợp tòa án có trưng cầu ý kiến của sở thì sở sẽ có quan điểm theo quy định và thực tiễn”, bà Hội An nói.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, Trung tâm đang chuẩn bị công văn để trả lời về việc Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng có văn bản kiến nghị không thu phí quyền tác giả âm nhạc tại khách sạn và những vấn đề liên quan đến thu phí tác quyền âm nhạc tại Đà Nẵng. “Công văn sẽ làm rõ mọi việc, tránh trường hợp nói qua nói lại không hay như thời gian qua”, ông Cẩn cho hay.
Bài và ảnh: LÊ PHẠM